Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Lật mặt nữ quái móc túi ở các bệnh viện

Sắp đến Tết Nguyên đán 2010, tình hình móc túi, lừa gạt tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM gia tăng báo động. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng trộm, cắp đã dễ dàng qua mặt bảo vệ và rạch túi, lừa tiền của người thân bệnh nhân.

Mất sạch chỉ vì...ly nước mía

Ông Võ Duy Thức, Phó trưởng Phòng hành chánh quản trị, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết, bệnh nhân đến khám đa số là dân từ các tỉnh nên rất thật thà. Nhiều bà con đã nghèo, mang trọng bệnh, chỉ vì cả tin mà bị lừa hết sạch đến nỗi không có tiền xe về quê.

Cụ thể là chị Nguyễn Thị T., nuôi mẹ đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Không có chỗ nằm nên buổi tối chị xuống ghế đá dưới sân ngủ. Bỗng dưng một người phụ nữ đến trò chuyện với chị và nói cũng đang nuôi bệnh.

Tâm sự được một lúc, người phụ nữ kia đi mua nước mía để cả 2 cùng uống. Sau khi uống nước mía xong, chị T. nằm ngủ mê man. Đến sáng thức dậy, chị mới thảng thốt, mếu máo vì phát hiện túi đồ cùng tiền bạc trên người đều mất hết.

Quá tải, chen lấn là điều kiện lý tưởng để các đối tượng móc túi hành nghề. Ảnh: Thanh Huyền.

Trường hợp của bà Huỳnh Thị Bé, ngụ Cần Thơ cũng vô cùng đáng tiếc. Bà Bé đi khám bệnh nhưng quá đông nên ngồi chờ ngoài sân. Bà được một người đàn ông ăn mặc lịch sự bắt chuyện. Ông này nói mình rất thân với bác sĩ, nếu bà Bé chịu đưa 200.000 đồng thì sẽ giúp để được vào khám ngay. Tuy nhiên, sau khi đưa tiền, bà Bé đợi mãi không thấy người đàn ông trên quay lại mới nước mắt ngắn dài tìm bảo vệ trình báo.

Ngoài ra, Bệnh viện Ung Bướu đang giữ rất nhiều giấy chứng minh thư nhân dân nhặt được trong nhà vệ sinh. Các đối tượng móc túi, giật giỏ lấy tiền xong đã vứt lại ví kèm giấy tờ tùy thân của người bị hại. Bệnh viện đã liên lạc theo địa chỉ trên chứng minh thư nhưng một số người đã chuyển đi nơi khác.

Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội TP.HCM (PC14) cũng cảnh báo về nạn trộm cắp, lừa gạt tại bệnh viện tăng cao dịp cận Tết.

Theo trinh sát Trần Hùng, đội 4, PC14, các đối tượng móc túi đang muốn tranh thủ kiếm trác để ăn Tết. Tâm lý ai cũng muốn khám bệnh sớm sinh ra chen lấn, xô đẩy đã tạo điều kiện thuận lợi cho bọn chúng hành động.

Hiện, Bệnh viện Hòa Hảo, Ung Bướu, Nhi Đồng 1, 2, Chợ Rẫy, Chấn thương Chỉnh hình, Viện Tim đang được coi là các địa bàn nóng. Móc túi ở Bệnh viện từ 70% đến 80% do phụ nữ thực hiện. Một nhóm móc túi thường có từ 2 đến 6 người. Bọn chúng hành động rất bài bản, có sự phân chia nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên trong nhóm.

Bế theo con để dễ bề trà trộn

Cách đây không lâu, tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các trinh sát đã bắt được 2 đối tượng nữ đang thực hiện hành vi móc túi. Đó là đối tượng tên Lê Thị Mỹ Dung, sinh năm 1988, ngụ Tiền Giang, cùng em gái Lê Thị Kiều Trang, sinh năm 1993.

Để dễ dàng trà trộn, Dung đã bế theo con trai 2 tuổi. Khi thuận tiện, ả đưa con cho Trang bế. Trang lúc này có nhiệm vụ ngồi ngoài cảnh giới và giữ hàng.

Dung đã móc được chiếc điện thoại Nokia 7500 I của anh Nguyễn Hữu Chuyên, ngụ Long An, đang xếp hàng đóng viện phí cho con.

Tiếp đến, Dung gặp chị Huỳnh Thị Bẹo, ngụ Đồng Nai đang bế con. Ả lợi dụng nạn nhân mải dỗ dành con khóc, áp sát, móc chiếc điện thoại Sam Sung i 700. Ngay lúc này, Dung đã bị trinh sát bắt quả tang và giữ lại.

Lê Thị Mỹ Dung cùng em gái, bế theo con trai trà trộn, móc túi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: PC14.

Trước đó, Lê Thị Mỹ Dung đã cùng với em gái khác, tên Lê Thị Kiều Mai đến móc túi tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và bị bắt quả tang. Kiểm tra đồ đạc của chị, em Dung, các trinh sát phát hiện 100 USD, 2 triệu 300 ngàn đồng, 4 chiếc điện thoại di động.

Dung khai tất cả đều do móc được. Hôm đó, 2 chị em Dung đã "dạo" qua Bệnh viện Đại học Y Dược nhưng không sơ múi được gì nên mới "rẽ" vào Nhi Đồng 1.

Dung có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên chưa bị bắt giữ, 2 đứa em của Dung chưa đủ tuổi truy cứu hình sự sẽ được cơ quan công an lập hồ sơ đưa đi trường giáo dưỡng.

Giả làm người nuôi bệnh

"Chúng tôi còn ghi nhận một trường hợp lừa đảo tại Bệnh viện Hòa Hảo. Đối tượng giả danh là người của công ty phối hợp với bệnh viện thực hiện chương trình khám ưu tiên. Bằng cách này, y đã lừa thu tiền của rất nhiều bệnh nhân rồi cao chạy xa bay.

Không chỉ thế, các đối tượng lừa gạt còn rất nhiều chiêu. Kẻ thì giả làm người nuôi bệnh để tiếp cận. nằm cạnh người thăm nuôi. Lợi dụng lúc nạn nhân ngủ say, chúng rạch túi, trộm đồ. Vài kẻ khác thì đi lòng vòng quanh các phòng bệnh nội trú để lượm điện thoại di động, giỏ xách của bệnh nhân.", trinh sát Hùng nói.

Theo trinh sát Hùng, việc quản lý những đối tượng trộm cắp tương đối khó khăn do chúng đổi địa bàn liên tục. Để giảm tình trạng móc túi, các bệnh viện cần có quy trình khám bệnh thứ tự, nhân viên bảo vệ phải có phẩm chất tốt, hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân.

Trước tình trạng móc túi gia tăng, Bệnh viện Ung Bước TP. đã có một số giải pháp như: Bố trí đủ ghế đá để bệnh nhân ngồi chờ, ký hợp đồng với công ty bảo vệ, phối hợp với công an quận xử lý an ninh trước cổng, phát loa cảnh báo nhiều lần trong ngày...Tuy nhiên, quan trọng nhất mỗi thân, bệnh nhân phải luôn nâng cao cảnh giác, tự bảo quản tư trang, không tin người lạ mặt.

  • Thanh Huyền

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

Đăng ký giám hộ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam

Câu hỏi:
Thẩm quyền và thủ tục đăng ký giám hộ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam được pháp luật quy định như thế nào?


Trả lời
Điều 53, 54 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định về việc đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài như sau:
Sở Tư pháp nơi người giám hộ hoặc người được giám hộ cư trú có thẩm quyền thực hiện đăng ký giám hộ.


Người được cử làm giám hộ phải nộp Giấy cử giám hộ. Giấy cử giám hộ do người cử giám hộ lập; nếu có nhiều người cùng cử một người làm giám hộ, thì tất cả phải cùng ký vào Giấy cử giám hộ.


Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc giám hộ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì Sở Tư pháp đăng ký việc giám hộ. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.


Khi đăng ký việc giám hộ, người cử giám hộ và người được cử làm giám hộ phải có mặt. Việc đăng ký giám hộ được ghi vào Sổ đăng ký giám hộ và Quyết định công nhận việc giám hộ. Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp cho người giám hộ và người cử giám hộ mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc giám hộ. Bản sao Quyết định công nhận việc giám hộ được cấp theo yêu cầu của người giám hộ và người cử giám hộ.


Trong trường hợp người được giám hộ có tài sản riêng, thì người cử giám hộ phải lập danh mục tài sản và ghi rõ tình trạng của tài sản đó, có chữ ký của người cử giám hộ và người được cử làm giám hộ. Danh mục tài sản được lập thành 3 bản, một bản lưu tại Sở Tư pháp, nơi đăng ký việc giám hộ, một bản giao cho người giám hộ, một bản giao cho người cử giám hộ.


Sau khi đăng ký giám hộ, Sở Tư pháp gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người giám hộ và người được giám hộ bản sao Quyết định công nhận việc giám hộ để giám sát việc giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.