Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Nhân viên bảo vệ cướp tài sản

(ANTĐ) - Hồi 18h30 tối 15-7, sau khi điều khiển chiếc ô tô tải chở khô đậu từ Hải Dương về cho Công ty EH, một doanh nghiệp chuyên chế biến thức ăn gia súc ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, anh Lê Minh Tiến (SN 1986), trú ở Thanh Cường, Thanh Hà, Hải Dương, giao xe cho phụ xe là anh Nguyễn Hữu Đại (SN 1989), trú ở Cẩm Hoàng, Cẩm Giàng, Hải Dương trông nom việc bốc hàng xuống rồi ra quán, ngoài cổng công ty ngồi uống nước.

http://thv.vn/Upload/EditorImage/24092008/209249737.JPG

Một lát sau, thấy công nhân bốc hàng xong, anh Đại nổ máy, chạy ra ngoài cổng công ty đỗ lại, ngồi đợi anh Tiến. Không ngờ, anh vừa dừng xe thì có 4 đối tượng, trong đó có 3 đối tượng mặc đồng phục nhân viên bảo vệ công ty ra quát nạt cho rằng, anh dừng đỗ xe sai quy định trước cổng công ty rồi 2 trong số 4 đối tượng ấy xông vào tát anh Đại, cướp trong người anh 123.000 đồng. Thấy số tiền quá ít, số đối tượng này bắt anh Đại gọi điện cho anh Tiến về. Anh Tiến vừa đi về thì 1 đối tượng trong số 4 đối tượng vác gậy dọa đánh rồi cướp đi của anh 120.000 đồng nữa.

Sau khi nhận tin trình báo của anh Tiến và anh Đại, các trinh sát Đội CSĐT tội phạm về TTXH - CAH Chương Mỹ đến ngay Công ty EH điều tra, xác minh làm rõ, 4 đối tượng đó là Nguyễn Hữu Sơn (SN 1984), Nguyễn Hữu Mười (SN 1982), Hồ Sỹ Tuấn (SN 1980) và Trần Bá Chiến (SN 1979), đều trú ở Phú Nghĩa (Chương Mỹ). Trong số này, có Nguyễn Hữu Sơn, Trần Bá Chiến và Hồ Sỹ Tuấn là nhân viên bảo vệ của Công ty EH. Cả 4 đối tượng đều được triệu tập về CAH Chương Mỹ. Ngày 17-7, Cơ quan CSĐT CAH Chương Mỹ đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Hữu Mười, Hồ Sỹ Tuấn và Trần Bá Chiến để điều tra về hành vi cướp tài sản. Bước đầu, qua điều tra xác định, kẻ trực tiếp đe dọa, hành hung, cướp tiền của anh Tiến và anh Đại là 2 đối tượng Nguyễn Hữu Sơn và Hồ Sỹ Tuấn.

Thứ Ba, 20 tháng 7, 2010

Những bê bối ở Công ty Dịch Vụ Bảo Vệ Long Thịnh - Củ Chi

Gần đây, các đơn vị chức năng ở huyện Củ Chi (TP HCM) nhận được đơn phản ánh về việc Công ty Long Thịnh nợ lương nhân viên, hoạt động không đúng địa chỉ trong giấy phép, giám đốc xài bằng giả và mạo danh Công an...

Trong tháng 5/2010, Công ty FOSACO (tọa lạc tại Củ Chi) có công văn gửi UBND và Công an huyện Củ Chi để nhờ sự hỗ trợ, can thiệp về tình hình an ninh trật tự phức tạp vừa xảy ra tại công ty.

Cụ thể, sau khi Công ty FOSACO hợp đồng thuê bảo vệ tại Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Long Thịnh (gọi tắt là Công ty Long Thịnh) để bảo vệ cho công ty mình thì liên tục xảy ra mất cắp. Chỉ trong tháng 4 và nửa tháng 5/2010, công ty đã mất cắp tài sản hơn 160 triệu đồng. Công ty FOSACO yêu cầu Công ty Long Thịnh bồi thường theo hợp đồng nhưng Công ty Long Thịnh ầu ơ, chính vì vậy Công ty FOSACO "giam" lại tiền phí dịch vụ tháng 4/2010 là 33 triệu đồng. Từ đó, nhiều ngày liền, bảo vệ của Công ty Long Thịnh tụ tập trước cổng Công ty FOSACO để la hét, quậy phá... ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của công ty.

Cùng thời điểm này, các đơn vị chức năng ở huyện Củ Chi cũng nhận được đơn phản ánh về việc Công ty Long Thịnh nợ lương nhân viên, hoạt động không đúng địa chỉ trong giấy phép, giám đốc xài bằng giả và mạo danh Công an... Từ đó, UBND huyện Củ Chi đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty Long Thịnh...

Theo giấy phép đăng ký thay đổi lần thứ... 5 được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp thì Công ty Long Thịnh có trụ sở đặt tại 11/1, Nguyễn Thị Lừa, khu phố 5, thị trấn Củ Chi do ông Trần Văn Thảo, 29 tuổi làm Giám đốc. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành thì Công ty Long Thịnh lại đang hoạt động tại địa chỉ số 352, tỉnh lộ 8, thị trấn Củ Chi. Văn phòng này chỉ là một căn nhà cấp 4 được Thảo thuê với thời hạn 6 tháng để dễ bề "chuồn" khi việc làm ăn bê bối xảy ra. Còn nhân viên của công ty cũng rất khiêm tốn so với quảng cáo, chỉ khoảng 30 người nhưng chưa ai có chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ, trong đó có 5 người không có hợp đồng lao động...

Đặc biệt, từ tháng 1/2009 đến nay, Công ty Long Thịnh còn nợ lương 29 nhân viên. Ngoài ra, theo báo cáo của Chi cục Thuế Củ Chi, tính đến ngày 2/6/2010, Công ty Long Thịnh còn nợ thuế hơn 104 triệu đồng. Từ cơ sở trên, đoàn thanh tra đã tiến hành lập biên bản và đề nghị UBND huyện Củ Chi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này với số tiền gần 16 triệu đồng, đồng thời buộc ngưng hoạt động kinh doanh dịch vụ tại địa chỉ không đúng trong giấy phép.



Theo M.T.Phong (CAND)

Thứ Tư, 14 tháng 7, 2010

Có thể xử lý hình sự nhân viên bảo vệ "vô cảm"

Thấy nghi ngờ chị Mai đã yêu cầu xuống xe và nhờ một số người đi đường can thiệp để lấy lại xe và đi về nhà. Tuy nhiên, 4 đối tượng vẫn cố tình bám theo đến tận phố Đội Cấn, Ba Đình, chị Mai đã tìm cách "cắt đuôi" nhưng không được.

  • Hai kiều nữ cướp trước cổng khách sạn Thắng Lợi

Ngày 27-6, chị Trần Thị Phương Mai (SN 1986, quê ở Yên Bái, tạm trú tại phố Đội Cấn, quận Ba Đình) đến CA quận Tây Hồ trình báo: Trên đường về nhà, khoảng 23g30 ngày 27-6, chị bị tê một bên tay nên phải dừng lại nghỉ ở đầu ngõ 335 đường An Dương, Tây Hồ. Lúc đó, có hai chiếc xe máy đi tới, trên xe là 4 thanh niên hai nam, hai nữ còn rất trẻ.

Các đối tượng tại CQĐT
Thấy chị Mai dừng lại, hai đối tượng nữ xuống xe hỏi thăm, một trong hai đối tượng tỏ ý thương hại và muốn đèo chị về nhà. Tin tưởng vào đối tượng nữ, chị đã giao xe cho đối tượng này và ngồi đằng sau, tuy nhiên đối tượng cùng với các bạn của mình đèo chị đi lòng vòng qua nhiều tuyến đường mà không đưa chị thẳng về nhà.

Thấy nghi ngờ chị Mai đã yêu cầu xuống xe và nhờ một số người đi đường can thiệp để lấy lại xe và đi về nhà. Tuy nhiên, 4 đối tượng vẫn cố tình bám theo đến tận phố Đội Cấn, Ba Đình, chị Mai đã tìm cách "cắt đuôi" nhưng không được. Khi đi đến khu vực khách sạn Thắng Lợi, chị Mai đã phóng thẳng xe vào khu vực bảo vệ của khách sạn nhờ được giúp đỡ. Tuy nhiên, các nhân viên bảo vệ của khách sạn này đã thờ ơ để mặc 4 đối tượng xông vào xông vào đánh đấm, cắn chị rồi lấy xe máy Jupiter BKS 29U7-7969 của chị tẩu thoát. Vụ án sau đó đã được CA quận Tây Hồ làm rõ và bắt các đối tượng gây án.

Điều đáng phê phán là thái độ vô cảm của nhân viên bảo vệ của khách sạn Thắng lợi khi thấy chị Mai lâm nạn. Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: Thái độ vô cảm của những nhân viên bảo vệ trong lúc làm nhiệm vụ mà để vụ việc hành hung, cướp tài sản xảy ra ngay trong khuôn viên mình đang có trách nhiệm bảo vệ phải bị xử lý theo điều 285 Bộ luật hình sự hiện hành quy định về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng: Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Khánh Nguyễn

Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Tuyên phạt nhóm lâm tặc giết cán bộ bảo vệ rừng 37 năm tù

Các bị cáo tại phiên tòa.
(LĐ) - Ngày 12.7, tại xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar, TAND tỉnh Đắc Lắc đã mở phiên toà lưu động xét xử nhóm lâm tặc giết cán bộ bảo vệ rừng. Theo cáo trạng, ngày 26.10.2009, Phạm Đức Dũng đã thuê Trần Văn Duy, Trần Xuân Minh, Nguyễn Hoàng (cả 4 tên cùng trú tại thị xã Buôn Hồ) vào tiểu khu 544, xã Ea Kiết khai thác gỗ trái phép.

Khoảng 21 cùng ngày, bọn chúng đang xẻ gỗ thì bị Lâm trường Buôn Ja Wầm bắt quả tang. Trên đường bị áp giải, các đối tượng này đã điều khiển xe cày bỏ chạy.

Các anh Lê Xuân Nguyên và Nguyễn Dương Lệ dùng xe máy đuổi theo thì bị chúng húc ngã, anh Phan Quốc Tán (ngồi trên xe cày) cũng bị chúng đánh rồi hất xuống đường. Hậu quả là anh Tán chết, anh Lệ bị thương tật 18%, anh Nguyên bị thương tật 10%.

HĐXX đã tuyên phạt Trần Văn Duy 28 năm tù về các tội giết người và cố ý gây thương tích, Trần Xuân Minh 4 năm tù về tội chống người thi hành công vụ, Phạm Đức Dũng 3 năm tù và Nguyễn Hoàng 2 năm tù về tội không tố giác tội phạm.

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Đột nhập thế giới của những nữ vệ sĩ

Thông thường, nói về vệ sĩ, bất cứ ai cũng nghĩ ngay rằng nghề này chỉ dành cho nam giới. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các nhân vật nổi tiếng như diễn viên, ca sĩ, doanh nhân vì lý do nào đó lại thích vệ sĩ nữ hơn.

Anna Loginova - Nữ vệ sĩ xinh đẹp và nổi tiếng nhất ở Nga đã chết trong lúc ngăn chặn kẻ cướp lấy chiếc xe Porsche

Nữ vệ sĩ toàn những cô xinh, người chuẩn?

Tại Moscow, Nga, chỉ có duy nhất một trường đặc biệt đào tạo nữ vệ sĩ. Những phụ nữ xinh đẹp và thông minh tuổi từ 21 đến 37 có thể nộp đơn làm học viên. Hiệu trưởng trường là một cựu nhân viên an ninh, tên là Nadezhda Mikhailova. Nhân vật này cho biết, những người thuê nữ vệ sĩ ban đầu thường khăng khăng đòi hỏi các nhân viên bảo vệ phải thật quyến rũ và cực kỳ hiểu biết.

Nếu một người đàn ông muốn thuê một nữ vệ sĩ, ông ta sẽ không muốn có một người không yểu điệu bên cạnh mình. Thông thường, sự kỳ vọng của phần đông khách hàng đối với một nữ vệ sĩ thường bị phóng đại. Khách hàng đòi một phụ nữ tóc vàng, mảnh khảnh giống người mẫu, và phải có bằng lái xe, lại có thể làm việc như một nữ thư ký riêng, biết ngoại ngữ, biết kỹ thuật giao đấu và dùng mọi loại súng.

Trường đào tạo các nữ vệ sĩ thường phớt lờ những đòi hỏi quá đáng của các khách hàng và chỉ cân nhắc yêu cầu nào hợp lý. Đó là một trong những lý do tại sao mà các cô gái dưới 21 tuổi không bao giờ được nhận vào trường.

Nadezhda Mikhailova nói, những cô gái trẻ thường trông xinh xắn nhưng rõ ràng trong đầu họ có một điều gì đó bất thường. Các thiếu nữ này thường tưởng tượng rằng một nữ vệ sĩ sẽ tuyệt như Uma Thurman trong phim Kill Bill. Điều quan trọng là phụ nữ khi được nhận vào trường huấn luyện vệ sĩ phải thực sự khỏe mạnh, gồm cả thị lực hoàn hảo.

Mỗi ứng viên đều phải trải qua bài kiểm tra tâm lý và thể chất thực sự nghiêm túc. Hiệu trưởng trường nói, dù các bài tập tương đối đơn giản nhưng nhiều nữ vận động viên chuyên nghiệp cũng không thể hoàn thành tốt.

Với những điều kiện khó khăn như vậy, chỉ có 5 học viên mới có thể hoàn thành khóa học kéo dài 6 tháng. Nadezhda Mikhailova sẽ giúp tất cả kiếm việc. Tuy nhiên, thật không may, Mikhailova nói, lương của nữ vệ sĩ thường thấp hơn phái nam cùng làm trong nghề.

Nhận lương ít, làm nhiều

"Thường là khách hàng không tin vào tiềm năng to lớn của các nữ vệ sĩ. Cả nam và nữ vệ sĩ đều được đào tạo như nhau, trong một số trường hợp, nữ vệ sĩ còn tỏ ra hữu hiệu hơn nam vệ sĩ vì nữ thường chọn cách nói chuyện hòa bình thay vì dùng sức mạnh. Phụ nữ ít khi bị coi là mối phiền hà và trên thực tế, điều này giúp các nữ vệ sĩ hành động nhanh và hiệu quả trong các tình huống khẩn cấp".

Victoria Korchagina, cựu vận động viên hai môn phối hợp, hiện là chủ nhiệm ban tây bắc của Liên đoàn vệ sĩ quốc gia. Bà là một trong những nữ vệ sĩ đầu tiên ở Nga.

Nhà lãnh đạo Libya có một dàn nữ vệ sĩ khoảng 40 người đều rất xinh đẹp.

Theo Korchagina, không có bí mật đặc biệt nào chỉ gắn với các nữ vệ sĩ. Giống như các nam đồng nghiệp, phụ nữ được huấn luyện trở thành vệ sĩ đều được dạy sử dụng bất cứ thứ gì trong tay để phòng vệ và tấn công. Vũ khí hoặc đồ tự vệ có lúc chỉ là một cái cặp tóc. Ngoài ra, bà Korchagina còn giải thích thêm rằng bắn kẻ thù chỉ là xu hướng đã lỗi thời.

Hiện nay, những kẻ giết người thích sử dụng thuốc độc loại mạnh và phân hủy nhanh. Tuy nhiên, bất kể những kẻ thủ ác dùng biện pháp nào để tấn công thì một vệ sĩ phải luôn ngăn chặn hoặc đoán trước được những tình huống nguy hiểm. Vì lý do này, các vệ sĩ không chỉ có thể phân tích tình hình mà còn phải hiểu vấn đề an ninh là rất phức tạp. Do đó, việc dạy vệ sĩ tiêm thuốc cho bệnh nhân bị tiểu đường còn dễ và tốt hơn là dạy anh ta kiểm tra xem y tá sắp đến tiêm hay chưa.

Không giống nam giới, phụ nữ sẵn sàng đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn. Các nam vệ sĩ thủ cựu hơn nữ vệ sĩ nhiều, họ cho rằng tay của người vệ sĩ luôn phải rảnh rang và không bao giờ giúp khách hàng cầm túi. Thái độ này đã dẫn tới những tình huống khá hài hước.

Một nam vệ sĩ tháp tùng một doanh nhân và gia đình đi nghỉ ở nước ngoài. Khi tất cả tới sân bay, nhóm khách Nga này phát hiện, không có nhân viên du lịch ra đón và họ phải tự về khách sạn. Người vệ sĩ không chịu xách hộ hành lý cho doanh nhân trên trong khi một số người ở sân bay nói rằng vệ sĩ này có thể giúp xách đồ. Cuối cùng, một người ở sân bay giật túi khỏi tay doanh nhân và chạy mất. Vệ sĩ nam phải từ bỏ khách hàng và đuổi theo kẻ cướp trong 15 phút song không lấy lại được đồ. Điều đáng chú ý là chiếc túi đựng toàn bộ những chiếc váy đẹp nhất của bà vợ doanh nhân trên, và như vậy, chàng vệ sĩ không may sẽ bị sa thải ngay sau chuyến đi.

Lịch sử nữ vệ sĩ

Lịch sử về nữ vệ sĩ thực sự khá dài. Từ xưa, các hoàng đế Trung Quốc đã có nữ vệ sĩ, phụ nữ cũng giữ vai trò bảo vệ tại các ngôi đền cổ ở Ấn Độ, Ai Cập và Trung Đông.

Hiện nay, có khoảng 500 phụ nữ (chiếm xấp xỉ 2% tổng số vệ sĩ tại Nga) là vệ sĩ riêng. Họ được trả không hơn 1.500 tới 2.000 USD cho 15 ngày làm việc một tháng.

Zurab Kekelidze thuộc viện Xã hội và Tâm lý pháp lý Serbsky nhận xét, cả nam và nữ vệ sĩ đều có những lợi thế. Ty nhiên, có một sự thật đã được chứng minh, đó là, phụ nữ dễ vượt qua căng thẳng hơn đàn ông, họ ít khi phải uống rượu để đương đầu với stress. Ngoài ra, phụ nữ thường cẩn trọng về sức khỏe tâm lý và thể chất hơn. Các nữ vệ sĩ không bao giờ từ chối sự trợ giúp y tế nếu cần thiết, và điều này trái ngược hẳn với các nam vệ sĩ.

Bên cạnh đó, chuyên gia trên cho hay, nam giới thường hành động theo logic trong khi phụ nữ lại sử dụng cả kinh nghiệm và trực giác. Các nữ vệ sĩ thường ra tay chuẩn nhờ trực giác. Vì vậy, chuyên gia Zurab cho rằng nếu các khách hàng muốn thuê vệ sĩ riêng thì nên thuê một nhóm cả nam và nữ vệ sĩ.