Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

Tranh chấp nhà ở trước 1/7/1991 có yếu tố nước ngoài

"Năm 1954, ông nội tôi di chúc giao quyền sử dụng 1 căn nhà tại TP HCM cho vợ sau của ông, với điều kiện bà này không được bán căn nhà đó mà khi qua đời phải giao lại cho cha và cô tôi (con của ông nội với vợ trước). Cha và cô tôi giờ định cư ở nước ngoài, muốn xác lập sở hữu có được không?" (bạn đọc Doan Cam Anh).

Trả lời:

Theo Nghị quyết số 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/8/1998 và Thông tư liên tịch số 01 của TAND Tối cao và VKSND Tối cao ngày 25/11/1999 hướng dẫn Nghị quyết, các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 1/7/1991 mà có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia, thì trong khi chưa có chính sách của Nhà nước với loại giao dịch dân sự này, tùy từng trường hợp mà tòa án xử lý như sau:

- Nếu chưa thụ lý thì không thụ lý;

- Nếu đã thụ lý và đang giải quyết thì ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết;

- Nếu đã có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết thì tiếp tục tạm đình chỉ việc giải quyết.

Với quy định trên thì hiện tại, cha và cô bạn chưa thể xác nhận quyền thừa kế căn nhà đó.

Thạc sĩ Phạm Thanh Bình

Văn phòng Luật sư Hồng Hà

Thủ tục xác nhận cha cho con

"Ba mẹ tôi không có hôn thú nhưng trong giấy khai sinh của tôi có đủ hai phần cha, mẹ. Hiện ba tôi sống ở Pháp và đã có gia đình riêng. Vậy làm thế nào để ông xác nhận được tôi là con ruột?" (bạn đọc Lê Minh Phúc).

Trả lời:

Theo quy định tại Nghị định 68/2002/NĐ-CP về hôn nhân và gia đinh có yếu tố nước ngoài, thủ tục xin nhận cha cho con có yếu tố nước ngoài được quy định như sau:

1. Nguyên tắc:

- Việc nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chỉ được tiến hành nếu bên nhận và bên được nhận đều còn sống vào thời điểm nộp đơn yêu cầu và không có tranh chấp.

- Con đã thành niên xin nhận cha, không cần phải có sự đồng ý của mẹ.

2. Thủ tục xin nhận cha, con: Người có yêu cầu phải nộp hồ sơ tại sở tư pháp tỉnh/thành phố nơi người được nhận cha cư trú.

3. Hồ sơ gồm:

- Đơn xin nhận con theo mẫu.

- Bản sao giấy CMND hoặc hộ chiếu của người nhận và người được nhận.

- Bản sao giấy khai sinh của người được nhận.

- Bản sao hộ khẩu của người được nhận.

Sau khi xem xét, thẩm tra hồ sơ, sở tư pháp tiến hành xác minh, báo cáo và trình UBND tỉnh/thành phố ký quyết định. Trong vòng 7 ngày kể từ ngày UBND tỉnh/thành phố ký quyết định công nhận, sở tư pháp tiến hành trao quyết định cho các bên đương sự.

Luật sư Việt Hà

Đoàn Luật sư Hà Nội

Giấy tờ nhà đất có phải ghi tên hai vợ chồng không?

"Tôi đang làm thủ tục mua một ngôi nhà. Tôi muốn một mình đứng tên làm sổ đỏ nhưng UBND phường yêu cầu phải khai cả tên vợ tôi. Người bạn tôi cũng bị buộc phải ghi tên vợ, dù cô ấy đã chết. Như vậy có đúng không?" (bạn đọc Đặng Vũ Hùng).

Trả lời:

1. Theo Nghị định 70 hướng dẫn Luật Hôn nhân & gia đình về đăng ký tài sản chung của vợ và chồng, để tránh cho việc tranh chấp sau này giữa 2 người, UBND phường yêu cầu cả vợ và chồng cùng đứng tên kê khai trong giấy tờ làm thủ tục xin sổ đỏ. Trường hợp vợ/chồng muốn đứng tên làm giấy tờ xác nhận sở hữu riêng với nhà mua bán trong thời kỳ hôn nhân thì chồng/vợ phải có văn bản thừa nhận tài sản đó là tài sản riêng của người kia, không nhập vào khối tài sản chung.

2. Trường hợp vợ hoặc chồng đã chết mà ngôi nhà được mua sắm trong thời kỳ hôn nhân thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký sở hữu nhà được phép yêu cầu ghi tên cả người đã khuất để chứng tỏ đó là tài sản chung của hai vợ chồng.

Luật sư Việt Hà

Đoàn Luật sư Hà Nội

Đang bị án treo chưa được phép dự thi đại học

Theo luật sư Ngô Thị Lựu, Bộ Giáo dục quy định người trong thời kỳ thi hành án hình sự không được dự tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

> Đang bị án treo có được thi đại học? (Đức Thanh)

Tại điểm b khoản 2 Điều 5 Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy, quy định: "Những người không đủ các điều kiện và những người thuộc diện dưới đây không được dự thi: trong thời kỳ thi hành án hình sự".

Như vậy, theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy khi bạn đang chấp hành hình phạt bạn sẽ không được dự thi. Sau khi chấp hành án hình sự xong bạn có thể đăng ký dự thi vào đại học, cao đẳng theo nguyện vọng của mình.

Tất cả các trường đều phải tuân theo quy định chung theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng nêu trên.

Theo điều 60 Bộ luật hình sự: Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.

Luật sư Ngô Thị Lựu

Công ty Luật TNHH Đại Việt

335 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

'Không thể xử lý người phụ nữ sống với đàn ông chưa ly dị'

Luật sư Nguyễn Minh Thuận cho rằng không thể xử lý hình sự người phụ nữ sống chung với người đàn ông chưa ly dị vợ. Những tài sản ông tạo ra khi chung sống với vợ sau vẫn có thể được xem là tài sản chung với vợ trước.

> Người phụ nữ sống với bố tôi có phạm tội không?

Theo quy định tại điều 147 Bộ Luật Hình sự 2000 thì: "1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm; 2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm;"

Như vậy, một người chỉ bị xử lý hình sự về tội danh này khi "gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc "đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm". Gây hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là việc người chồng chung sống với người khác gây đau buồn cho người vợ khiến người vợ tự tử, hoặc những lý do khác mà theo pháp luật quy định là hậu quả nghiêm trọng... Nếu như "gây hậu quả nghiêm trọng" thì người chồng có thể bị xử lý hình sự ngay mà không nhất thiết phải có yếu tố "đã bị xử lý hành chính". Người vi phạm chỉ bị xử lý hành chính khi gây ra hậu quả ít nghiêm trọng, tuy nhiên khi đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm về cùng hành vi thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Chiếu theo quy định trên, tôi cho rằng, không thể xử lý hình sự đối với người đã chung sống với bố của bạn H.Nam, bởi các vấn đề sau:

Thứ nhất: Về mặt chủ quan, chưa có gì xác định được rằng người vợ sau của bố bạn H.Nam biết rằng bố bạn H.Nam đã có gia đình từ thời điểm chung sống.

Thứ hai: Việc chung sống này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính như điều 147 quy định.

Thứ ba: Nếu có vi phạm thì cũng không thể xử lý vì đã hết thời hiệu. Theo quy định thì tội phạm này thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng, nên theo điều 23 Bộ Luật Hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm. Trong khi đó, theo bạn trình bày thì việc bố bạn chung sống với người đó đã xảy ra với thời gian quá lâu so với 5 năm.

Vì bố bạn chưa ly hôn với mẹ bạn nên về nguyên tắc, tất cả tài sản của ông tạo ra trong khi chung sống với vợ sau vẫn có thể được xem là tài sản chung của bố bạn và mẹ bạn. Hiện mẹ bạn đã chết nên bạn có thể yêu cầu phân chia di sản thừa kế đồng thời bạn và các anh chị em ruột của bạn được hưởng một phần đối với tất cả tài sản mà mẹ bạn để lại theo luật định.

Về phần bố bạn: Nếu bố bạn không để lại di chúc tặng cho những người khác thì bạn được hưởng thừa kế một phần di sản mà ông ấy để lại sau khi ông ấy mất.

Luật sư Nguyễn Minh Thuận

Công ty Luật Hợp danh Sài Gòn Việt Nam

168 Vĩnh Viễn, phường 9, quận 10, TP HCM

www.saigonvnlaw.com.vn

Người phụ nữ sống với bố tôi có phạm tội không?

Bố mẹ tôi kết hôn và có 3 người con. 20 năm sau, bố bỏ gia đình vào Nam lập nghiệp, sống như vợ chồng cùng một người phụ nữ khác đến nay. Ông và mẹ tôi vẫn chưa ly hôn, vậy người phụ nữ kia có phạm tội không? (H.Nam)

Sau khi kết hôn bố mẹ tôi có 3 người con, tôi là con út sinh năm 1983. Năm 1995, bố tôi đã bỏ mẹ con gia đình vào Nam lập nghiệp và sinh sống cùng một người phụ nữ khác đến nay. Trong khi đó, bố tôi và mẹ vẫn chưa ly hôn. Mẹ tôi đã mất năm 2008.

Bố tôi và người phụ nữ kia có con riêng hiện khoảng 8 tuổi. Ông cũng không quan tâm gia đình tôi, con cái kể từ ngày bỏ đi. Ngay cả khi mẹ tôi mất và giỗ 1 năm, bố cũng không quan tâm. Đám cưới các chị em tôi bố cũng để mặc.

Tôi xin được các bạn tư vấn, theo luật định, người phụ nữ kia có phạm tội gì không? Chúng tôi có thể kiện người phụ nữ kia về tội sống như vợ chồng với người đã có gia đình hay tương đương không? Bố tôi có trách nhiệm gì với chúng tôi theo luật định không? Xin chân thành cảm ơn.