Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

BÁO CÁO SỐ 45/BC-CP NGÀY 7 THÁNG 4 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Kính gửi: Uỷ ban thường vụ Quốc hội

A. TÌNH HÌNH THỰC THI CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM (VSATTP) TỪ 2004 – 2008

1. VIỆC BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THEO THẨM QUYỀN; BAN HÀNH, ÁP DỤNG TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN KỸ THUẬT.

1. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL ) (Biểu số 1 và số 2)

Trong giai đoạn 5 năm từ 2004 đến 2008, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP theo thẩm quyền đã thực hiện tương đối tốt, với tổng số 134 văn bản, cụ thể:

- Luật: 8

- Pháp lệnh: 2

- Nghị định của Chính phủ: 35

- Quyết định của Chính phủ: 12

- Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ: 7

- Thông tư hướng dẫn của các Bộ: 28

- Thông tư liên tịch: 15

- Quyết định của các Bộ: 27

Nổi bật nhất trong năm 2008 là việc Chính phủ ban hành Nghị định 79/2008/NĐ-CP ngày 18/7/2009 quy định hệ thống tổ chức, quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm VSATTP. Và liên Bộ Y tế – Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 12/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 30/12/2008 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục ATVSTP trực thuộc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Công thương chủ trì và phối hợp với các Bộ ngành liên quan để xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu và Thông tư số 10/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2008 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 40/2008/NĐ-CP.

Năm 2008 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị số 56/CT-BNN-KHCN ngày 08/01/2008 về việc tổ chức năm chất lượng nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp và đảm bảo ATVSTP nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho các tổ chức và cá nhân trong sản xuất kinh doanh vật tư, nông sản thực phẩm; ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm, góp phần đẩy mạnh sản xuất nông sản và thủy sản an toàn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Nhìn chung trong quá trình xây dựng dự thảo các văn bản QPPL các Bộ đều tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của mọi tổ chức, cá nhân và các chuyên gia quốc tế và có tham khảo các Luật, tiêu chuẩn của cơ quan thẩm quyền nước ngoài.

Hệ thống VBQPPL về VSATTP ban hành giải quyết được những vấn đề bức xúc, nhưng chưa quản lý được nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm. Chế tài xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương.

Một số quy định về chỉ tiêu ATVSTP cần được tiếp tục xây dựng hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ đối với thịt và sản phẩm thịt trong quy định số 46/2007/QĐ-BYT còn đưa ra quá nhiều gây khó khăn trong việc kiểm soát và quy định về giới hạn ô nhiễm vi sinh vật như Clostridium perfingen chưa hài hòa với tiêu chuẩn Codex.

2. Việc xây dựng, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về VSATTP

- Việc xây dựng, ban hành, áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật:

Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng 14 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Năm 2008 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức chuyển đổi 168 tiêu chuẩn ngành (trong đó chuyển đổi 155 tiêu chuẩn ngành sang tiêu chuẩn quốc gia; 14 tiêu chuẩn ngành chuyển đổi sang Quy chuẩn quốc gia và xây dựng mới 01 tiêu chuẩn quốc gia; 30 Quy chuẩn quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, nhu cầu sản xuất, bảo đảm chất lượng trong sản xuất và vệ sinh an toàn thực phẩm).

Từ năm 2002-2008 Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng được 42 TCVN. Tính đến tháng 2/2009 đã có tổng số 406 TCVN liên quan đến an toàn thực phẩm trên tổng số 684 TCVN (chiếm 60%). Trong đó có 139 TCVN chấp nhận ISO, 45 TCVN chấp nhận Codex, 72 TCVN chấp nhận tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn quốc tế khác. Tỷ lệ hài hoà đạt 63%.

Năm 2006, Bộ Công thương đã chủ trì và ban hành 8 quy định kỹ thuật và các sổ tay hướng dẫn thực hành liên quan đến VSATTP đối với 5 nhóm ngành thực phẩm do Bộ quản lý.

- Tuy nhiên, thủ tục chuyển đổi/xây dựng ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật gồm nhiều công đoạn qua lại giữa Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ chuyên ngành, nặng về thù tục hành chính. Số tiêu chuẩn cần chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật còn nhiều. Thiếu quy định giới hạn tối đa cho phép (MRL) đối với tồn dư một số hoá chất, kháng sinh. Môt số quy định về giới hạn ô nhiễm vi sinh vật chưa hài hoà với tiêu chuẩn Codex.

- Quá trình thực hiện chậm vì hiện chưa có Thông tư hướng dẫn mức chi xây dựng QCKTQG giữa Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ, đồng thời nguồn kinh phí đầu tư cho việc xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia rất hạn chế.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG VSATTP

1.. Tình hình ngộ độc thực phẩm, thực trạng ô nhiễm thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm (xem biểu số 3 và số 4)

Bảng 1. Số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm toàn quốc từ năm 2004 – 2008

Presentation1

Bảng 2. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm được thống kê theo từng nhóm nguyên nhân:

Presentation1

Trong 12 tháng năm 2008, cả nước đã xảy ra 205 vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhỏ làm 7.828 người mắc, số vụ ngộ độc thực phẩm có trên 30 người mắc là 55 vụ với số người mắc là 5.940 người và số người chết là 61 người. Tỷ lệ mắc ngộ độc thực phẩm trung bình là 9,1/100.000 dân, tỷ lệ chết là 0,07/100.000 dân/năm. Số người mắc tập trung trong các vụ ngộ độc xảy ra tại các bếp ăn tập thể, đám cưới/đám giỗ; số người chết tập trung ở các vụ ngộ độc tại các bếp ăn gia đình.

Bảng 3. So sánh số vụ ngộ độc thực phẩm trong khoảng thời gian từ 1/1-15/2

của 2 năm 2008 và 2009

TT

Chỉ số

Từ 01/01-15/02/2008

Từ 01/01 – 15/02/2009

So sánh

(%)

1

Tổng số vụ

9

7

- 22,2

2

Tổng số mắc

247

194

-21,5

3

Tổng số tử vong

3

2

-33.3

4

Số vụ ≥ 30 người mắc

5

2

-60,0

5

Số vụ < 30 người mắc

4

5

+25,0

Trong khoảng thời gian từ 1/1 đến 15/2 của 2 năm 2008 và 2009 cho thấy: số vụ ngộ độc giảm 22,2%, số mắc giảm 21,5%, số vụ mắc trên 30 người giảm 60%.

Thống kê với 5 bệnh truyền qua thực phẩm (Tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn) từ năm 2000 – 2006, trong toàn quốc đã có 6.091.039 người mắc và 115 người chết (Niên giám thống kê bệnh truyền nhiễm, 2000 – 2006).

Tỷ lệ mắc bệnh giun sán trong cộng đồng rất cao, có hơn 60.000.000 người đang mang giun sán trong người. Bệnh sán lá gan lớn có ở 18 tỉnh, tỷ lệ nhiễm mầm bệnh trong cộng đồng dân cư có nơi tới 37% như Nam Định, Phú Yên. Bệnh sán lá gan nhỏ có ở 24 tỉnh, tỷ lệ nhiễm rất cao như Hà Tây (40%), Thanh Hóa (38%), Nam Định (37%), Ninh Bình (30%), Phú Yên (37%), Bình Định (30%). Bênh sán lá phổi có ở 8 tỉnh phía Bắc là Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn và Nghệ An với tỷ lệ tới 15%. Bệnh sán lá ruột có ở 11 tỉnh với khoảng 4.000 người mắc. Các bệnh giun đũa, giun xoắn, giun kim, bệnh ấu trùng sán, giun… còn phổ biến trong nhân dân (Báo cáo của Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng trung ương, 2006).

2.. Thực trạng quản lý VSATTP trong quá trình sản xuất lương thực, rau quả; trong nuôi trồng, khai thác thuỷ sản, trong chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm:

- Xây dựng các chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm:

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng và phát triển các Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm, các mô hình vùng sản xuất an toàn (rau, chè); mô hình chăn nuôi an toàn. Đến hết năm 2008, đã có 43 tỉnh, thành phố trong cả nước tiến hành quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (RAT). Diện tích RAT đạt khoảng 60 nghìn ha (bằng 8,5%) tổng diện tích rau cả nước (705 nghìn ha). Trong đó có 92 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT với diện tích 2.476 ha. Sản xuất chè an toàn đạt 1377 ha trên tổng số 41.751 ha, có 02 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất chè an toàn với diện tích 75 ha. Diện tích sản xuất quả an toàn đạt 15.648 ha trên tổng số 74.942 ha. Một số mô hình sản xuất quả an toàn theo hướng GAP đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn EuropGAP như HTX Thanh Long – Hàm Thuận Nam, Bình Thuận; HTX Vú Sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang).

Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo việc giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong nông sản thực phẩm trong khuôn khổ Dự án đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm và Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm do Canada tài trợ đối với một số nông sản chủ lực: rau, quả, chè, thịt lợn, thịt gà. Bước đầu các hoạt động này đã được triển khai. Từ năm 2009 sẽ trở thành hoạt động thường xuyên để kịp thời phát hiện, cảnh báo và xử lý các trường hợp mất ATVSTP.

Hàng năm Bộ đều thực hiện giám sát có hiệu quả chất lượng, ATVSTP thủy sản (thông qua các Chương trình kiểm soát ATVS vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ, Chương trình kiểm soát dư lượng hoá chất độc hại trong thủy sản và sản phẩm thủy sản nuôi, Chương trình kiểm soát sản phẩm thủy sản sau thu hoạch). Phối hợp với Cơ quan vùng, Cơ quan địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo quy định những trường hợp vi phạm.

- Kiểm tra, thanh tra tình hình sử dụng thuốc BVTV trên rau, quả, chè:

+ Theo kết quả điều tra VSATTP trên rau, quả tại 04 tỉnh và thành phố (Hà Nội, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, thành phố Hồ Chí Minh) trong Quý 3-4/2008 của Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (Bộ NN&PTNT): trong 154 mẫu rau cải, rau muống có 20 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép (MRLs), chiếm 13% tổng số mẫu; trong 60 mẫu nho, cam, táo có 3 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép và không phát hiện dư lượng thuốc BVTV cấm sử dụng edosulfan trong rau, quả.

Kết quả phân tích vi sinh vật trên 76 mẫu rau cho thấy: về ô nhiễm vi sinh vật chỉ điểm vệ sinh: 72 mẫu rau nhiễm Coliform vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 94,7%) và 40 mẫu rau nhiễm E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 52,63%); về ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh: 6 mẫu rau nhiễm Salmonella (chiếm 7,89% tổng số mẫu). Tất cả các mẫu đều không phát hiện Vibrio Cholera.

Về ô nhiễm nitrat: phát hiện dư lượng nitrat trên 100% mẫu rau lấy phân tích nhưng không vượt quá giới hạn cho phép.

Về dư lượng kim loại nặng: 100% mẫu kiểm tra (trên tổng số 17 mẫu) có dư lượng đồng (Cu), 02 mẫu có dư lượng chì (Pb), 03 mẫu có dư lượng Asen (As). Không có mẫu nào có dư lượng kim loại nặng vượt quá giới hạn cho phép.

- Kiểm tra, thanh tra tình hình giết mổ, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật:

Hàng năm, Bộ NN&PTNT (Cục Thú y) đã chỉ đạo các Chi cục Thú y tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong vận chuyển, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật; quản lý và sử dụng thuốc thú y tại địa phương. Hướng dẫn các cơ sở thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại những khu vực có nguy cơ cao, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến, các chợ, nơi tập trung buôn bán động vật và sản phẩm động vật; xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm về sử dụng kháng sinh, hoá chất cấm sử dụng, các loại thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc ngoài danh mục, các trường hợp vi phạm về nhãn hàng hoá. Riêng năm 2008, Chi Cục thú y vùng Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lao Cai phối hợp với hải quan, bộ đội Biên phòng và các Chi cục Kiểm dịch động vật cửa khẩu đã bắt giữ và xử lý 624 vụ buôn lậu qua biên giới, tiêu huỷ hơn 72 tấn sản phẩm động vật các loại, 75 ngàn quả trứng gia cầm, trên 82 ngàn gia cầm con.

Năm 2008, kiểm tra, phân tích 677 mẫu thuốc thú y tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó 623 mẫu thuốc thú y chiếm 92%, 24 lô vaccine, chiếm 8%. Kết quả phân tích chất lượng thuốc cho thấy: 100% mẫu vaccine đạt tiêu chuẩn nhưng chỉ có 89,9 – 91% số mẫu thuốc thú y đạt tiêu chuẩn, nhiều mẫu hoá được có hàm lượng thuốc âm tính. Bộ đã ra quyết định thu hồi thuốc thú y kém chất lượng và thông báo công khai trên mạng. Tỷ lệ thuốc thú y không đạt tiêu chuẩn chiếm 14,95% có giảm so với năm 2007.

Về công tác quản lý giết mổ tập trung: một số tỉnh, thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã trở thành những điển hình trong quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung để các địa phương học tập (Bình Phước, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình dương, bà Rịa Vũng Tàu, Long An, Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, TP.Hồ Chí Minh). Tuy nhiên vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung nhưng không duy trì hoạt động (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định…) Công tác quy hoạch và duy trì các cơ sở giết mổ tập trung tại một số địa phương hoàn toàn bỏ ngỏ, nhiều chợ nội thành, nội thị vẫn bán gia cầm sống và giết mổ gia súc, gia cầm lậu làm lây lan dịch bệnh và không đảm bảo VSATTP. Số cơ sở giết mổ tập trung các tỉnh miền Bắc có chiều hướng giảm so với năm 2006 do dịch cúm gia cầm bùng phát. Tổng số cơ sở giết mổ lợn xuất khẩu là 20 cơ sở, chủ yếu xuất sang thị trường Hồng Kông và Malaysia. Theo đánh giá số lượng gia súc, gia cầm giết mổ trong năm 2008 được kiểm soát giết mổ chỉ chiếm tỷ lệ là 58,1%.

Theo kết quả điều tra của Dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (Bộ NN&PTNT) tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như sau:

- Tại Hà Nội:

Kết quả phân tích vi sinh vật cho thấy:

+ Về ô nhiễm vi sinh vật chỉ điểm vệ sinh (đánh giá mức độ đảm bảo vệ sinh của thực phẩm): trong số 72 mẫu thịt lợn có 28 mẫu có E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 38,89%); trong số 72 mẫu thịt gà có 26 mẫu có E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 36,11%).

+ Về ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh: trong số 72 mẫu thịt lợn có 3 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 4,1%) và 4 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 5,5%); trong số 72 mẫu thịt gà có 6 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 8,3%) và 7 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 9,7%).

Kết quả phân tích hóa chất, kháng sinh cho thấy:

Trong số 72 mẫu thịt lợn phát hiện 1 mẫu có dư lượng chất cấm sử dụng Salbutamol (chiếm 1,38%), 8 mẫu phát hiện dư lượng chất cấm sử dụng Clenbuterol (chiếm 11,11%); trong số 72 mẫu thịt gà có 4 mẫu phát hiện dư lượng chất cấm sử dụng Salbutamol (chiếm 5,5%), 10 mẫu phát hiện dư lượng chất cấm sử dụng Clenbuterol (chiếm 13,89%).

- Tại thành phố Hồ Chí Minh:

Kết quả phân tích vi sinh vật cho thấy:

+ Về ô nhiễm vi sinh vật chỉ điểm vệ sinh (đánh giá mức độ đảm bảo vệ sinh của thực phẩm): trong số 69 mẫu thịt lợn có 54 mẫu có E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 78,3%); trong số 69 mẫu thịt gà có 66 mẫu có E.Coli vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 95,65%).

+ Về ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh: trong số 69 mẫu thịt lợn có 4 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 5,8%) và 37 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 53,6%); trong số 69 mẫu thịt gà có 6 mẫu nhiễm Salmonella (chiếm 8,69%) và 41 mẫu nhiễm S.aureus vượt quá giới hạn cho phép (chiếm 59,42%).

Kết quả phân tích hóa chất, kháng sinh cho thấy:

Trong số 69 mẫu thịt lợn phát hiện 10 mẫu có dư lượng chất cấm sử dụng Salbutamol (chiếm 14,5%), 1 mẫu phát hiện dư lượng chất cấm sử dụng Clenbuterol (chiếm 1,45%); trong số 69 mẫu thịt gà có 2 mẫu phát hiện dư lượng chất cấm sử dụng Salbutamol (chiếm 2,89%), 3 mẫu phát hiện dư lượng chất cấm sử dụng Clenbuterol (chiếm 4,3%).

3.. Thực trạng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong xuất, nhập khẩu:

Đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu kiểm tra an toàn thực phẩm rất phức tạp. Hiện nay mới chỉ kiểm soát được đối với thực phẩm xuất nhập khẩu theo đường chính ngạch. Nhưng việc kiểm tra tại thực tế mới chỉ đạt được đối với thực phẩm tập kết về địa bàn tỉnh, thành phố, không kiểm tra được khi kho tập kết hàng quá xa. Vấn đề thực phẩm qua biên giới, thực phẩm nhập lậu chưa kiểm soát được còn khá phổ biến như: rau quả, gia cầm, trứng, thủy sản, thịt và phủ tạng gia súc… Tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), mỗi ngày có tới trên 100 tấn hoa quả vào Việt Nam nhưng kiểm tra an toàn thực phẩm các loại hoa quả này hầu như không có.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các đơn vị kiểm tra nhà nước về chất lượng VSATTP (8/12 đơn vị):

+ Tổng số lượng/lô thực phẩm đã qua kiểm tra nhà nước: 165.672.936,33 kg và 13.684 lô.

+ Số lượng/lô thực phẩm chức năng: 7.887.000,2432 kg và 106 lô.

+ Số lượng/lô phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nguyên liệu thực phẩm: 27.587.658,58 kg và 298 lô.

+ Số lượng/lô thực phẩm không đạt yêu cầu nhập khẩu: 116.963,46 kg và 32 lô.

Đối với hàng hóa thực phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu: Hàng hóa thực phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, ngũ cốc, cà phê, thịt và một số loại rau quả được thực hiện kiểm tra chứng nhận chất lượng hàng hóa xuất khẩu theo quy định Việt Nam và yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Trong vòng 5 năm từ 2004-2008, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT đã thực hiện kiểm tra, chứng nhận chất lượng, ATVS cho hơn 3.040 nghìn tấn thuỷ sản, trong đó, tập trung kiểm tra chứng nhận dư lượng kháng sinh cầm và hạn chế sử dụng, các vi sinh vật gây bệnh… theo yêu cầu các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật. Năm 2008 Cục Quản lý CL NLTS đã thực hiện kiểm tra, chứng nhận chất lượng, ATVS sản phẩm thủy sản theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu hoặc của khách hàng. Kết quả số lô hàng không đạt yêu cầu chiếm 2,6% tổng số lô hàng xuất khẩu, tăng so với năm 2007 (1%) do lượng hàng qua Cục kiểm tra, chứng nhận chất lượng đã tăng đáng kể (44%) so với năm 2007. Nhìn chung, chất lượng hàng hoá xuất khẩu qua kiểm tra được duy trì ổn định. Ngoài ra, Cục thường xuyên có sự trao đổi, hợp tác với các cơ quan thẩm quyền về VSATTP thủy sản các nước nhập khẩu thủy sản Việt Nam, cập nhật các quy định thị trường nhập khẩu cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, tích cực khai thông rào cản kỹ thuật của các thị trường.

Đối với hàng hóa thực phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu để chế biến làm thực phẩm:

Hàng năm 100% nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để chế biến được Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản kiểm tra theo quy định. Năm 2008, Cục Quản lý CL NLTS đã kiểm tra 3967 lô/ 102 503 tấn nguyên liệu thủy sản, phát hiện 14 lô/294 tấn không đạt yêu cầu về vi sinh và hóa chất kháng sinh và được xử lý theo quy định. Đối tượng nhập khẩu chủ yếu là nhóm cá và tôm đông lạnh phục vụ gia công, sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng và tái xuất (cá ngừ, cá kiếm, cá nhám, tôm sú, thẻ), chiếm 77,49%. Nguồn nhập từ nhiều vùng lãnh thổ, khu vực (Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN…).

Về kiểm dịch sản phẩm động vật tươi sống nhập khẩu, Bộ NN&PTNT (Cục Thú y) đã và đang duy trì theo quy định của Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và thông lệ quốc tế.

4.. Thực trạng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, kinh doanh thực phẩm:

- Việc cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm tại Cục ATVSTP:

Bảng 4. Số lượng Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm được cấp

Năm

Tổng số sản phẩm thực phẩm

Sản phẩm thực phẩm chức năng

2006

6.502

1.259

2007

9.364

778

2008

9.358

1.328

Tổng

25.224

3.365

Đây chỉ là con số thống kê tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Trên thực tế, số lượng sản phẩm thực phẩm lưu hành trên thị trường còn cao hơn do các doanh nghiệp chưa biết hoặc cố tình không thực hiện công bố tiêu chuẩn sản phẩm của mình, đặc biệt là một số doanh nghiệp chỉ nhập khẩu thực phẩm một lần.

Đối với thực phẩm chức năng, đây là một lĩnh vực rất khó khăn do chưa có sự thống nhất của quốc tế, khu vực và quốc gia về chính sách, quan niệm, tiêu chí, phương thức quản lý, cấp phép trong khi trách nhiệm hội nhập, thừa nhận lẫn nhau là bắt buộc. Vì thế nhiều sản phẩm rất khó xác định là thực phẩm hay dược phẩm để áp phương thức quản lý. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm nghiệm chưa đủ năng lực để xét nghiệm các hoạt chất sinh học của thực phẩm chức năng và hệ thống thanh tra chuyên ngành thực phẩm mỏng, chưa có đủ khả năng thanh tra sau công bố (hậu kiểm) vì thế tình trạng tuyên truyền, quảng cáo về thực phẩm chức năng còn chưa được thực hiện tốt, đặc biệt việc quảng cáo quá mức công dụng của thực phẩm chức năng và hoạt động bán hàng đa cấp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

- Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm:

Bảng 5. Số lượng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP

Năm

Tổng số cơ sở (Trung ương)

Tổng số cơ sở
(địa phương)

Ghi chú

2006

43 cơ sở

1.063 cơ sở

Số liệu của 8 tỉnh, thành phố b/c

2007

117 cơ sở

21.174 cơ sở

Số liệu của 58 tỉnh thành b/c

2008

172 cơ sở

17. 520 cơ sở

Số liệu của 41 tỉnh thành b/c

Tổng

332 cơ sở

49.757 cơ sở

Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mới được thực hiện bắt đầu từ năm 2006, do trước đó không có quy định về việc cấp giấy này. Bảng số liệu trên cho thấy, số lượng cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chưa cao 11,21% (50.089 cơ sở được cấp giấy chứng nhận trên tổng số 446.731 cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm trong cả nước) và chế độ báo của các địa phương chưa được thực hiện tốt.

5. Thực trạng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến và sử dụng thực phẩm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tổ chức dịch vụ ăn uống giữa ca cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có các hình thức sau: Công nhân tự mang thức ăn sẵn đến; Ra cơ sở ăn uống bên ngoài khu công nghiệp để ăn uống; ăn uống ngay tại căng tin bên trong khu công nghiệp để ăn uống (Chiếm số ít). Các doanh nghiệp trực tiếp hợp đồng với cơ sở chế biến thức ăn, cơ sở cung cấp dịch vụ thức ăn vào bán cho công nhân (Chiếm đa số).

Tại các khu công nghiệp, chế xuất: Lãnh đạo các nhà máy, xí nghiệp đã tổ chức bữa ăn cho công nhân ngay tại cơ sở (ăn chính, ăn phụ, ăn tăng ca) để đảm bảo sức khoẻ cho người lao động. Một số chủ doanh nghiệp đã chỉ đạo một bộ phận có chức năng theo dõi, giám sát hoạt động cung cấp suất ăn ngay tại đơn vị nhằm đảm bảo cho bữa ăn của công nhân đủ cả chất và lượng. Các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã được tăng cường thực hiện nhưng đang xuất hiện nhiều bất cập và trở thành một trong những vấn đề bức xúc của dư luận hiện nay.

CÁC BẠN TẢI TOÀN BỘ BÁO CÁO TẠI ĐÂY

0 nhận xét:

Đăng nhận xét