Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

'Không thể xử lý người phụ nữ sống với đàn ông chưa ly dị'

Luật sư Nguyễn Minh Thuận cho rằng không thể xử lý hình sự người phụ nữ sống chung với người đàn ông chưa ly dị vợ. Những tài sản ông tạo ra khi chung sống với vợ sau vẫn có thể được xem là tài sản chung với vợ trước.

> Người phụ nữ sống với bố tôi có phạm tội không?

Theo quy định tại điều 147 Bộ Luật Hình sự 2000 thì: "1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm; 2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm;"

Như vậy, một người chỉ bị xử lý hình sự về tội danh này khi "gây hậu quả nghiêm trọng" hoặc "đã bị xử lý hành chính về hành vi này mà còn vi phạm". Gây hậu quả nghiêm trọng ở đây có thể là việc người chồng chung sống với người khác gây đau buồn cho người vợ khiến người vợ tự tử, hoặc những lý do khác mà theo pháp luật quy định là hậu quả nghiêm trọng... Nếu như "gây hậu quả nghiêm trọng" thì người chồng có thể bị xử lý hình sự ngay mà không nhất thiết phải có yếu tố "đã bị xử lý hành chính". Người vi phạm chỉ bị xử lý hành chính khi gây ra hậu quả ít nghiêm trọng, tuy nhiên khi đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm về cùng hành vi thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Chiếu theo quy định trên, tôi cho rằng, không thể xử lý hình sự đối với người đã chung sống với bố của bạn H.Nam, bởi các vấn đề sau:

Thứ nhất: Về mặt chủ quan, chưa có gì xác định được rằng người vợ sau của bố bạn H.Nam biết rằng bố bạn H.Nam đã có gia đình từ thời điểm chung sống.

Thứ hai: Việc chung sống này chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý hành chính như điều 147 quy định.

Thứ ba: Nếu có vi phạm thì cũng không thể xử lý vì đã hết thời hiệu. Theo quy định thì tội phạm này thuộc loại tội phạm ít nghiêm trọng, nên theo điều 23 Bộ Luật Hình sự thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm. Trong khi đó, theo bạn trình bày thì việc bố bạn chung sống với người đó đã xảy ra với thời gian quá lâu so với 5 năm.

Vì bố bạn chưa ly hôn với mẹ bạn nên về nguyên tắc, tất cả tài sản của ông tạo ra trong khi chung sống với vợ sau vẫn có thể được xem là tài sản chung của bố bạn và mẹ bạn. Hiện mẹ bạn đã chết nên bạn có thể yêu cầu phân chia di sản thừa kế đồng thời bạn và các anh chị em ruột của bạn được hưởng một phần đối với tất cả tài sản mà mẹ bạn để lại theo luật định.

Về phần bố bạn: Nếu bố bạn không để lại di chúc tặng cho những người khác thì bạn được hưởng thừa kế một phần di sản mà ông ấy để lại sau khi ông ấy mất.

Luật sư Nguyễn Minh Thuận

Công ty Luật Hợp danh Sài Gòn Việt Nam

168 Vĩnh Viễn, phường 9, quận 10, TP HCM

www.saigonvnlaw.com.vn

Người phụ nữ sống với bố tôi có phạm tội không?

Bố mẹ tôi kết hôn và có 3 người con. 20 năm sau, bố bỏ gia đình vào Nam lập nghiệp, sống như vợ chồng cùng một người phụ nữ khác đến nay. Ông và mẹ tôi vẫn chưa ly hôn, vậy người phụ nữ kia có phạm tội không? (H.Nam)

Sau khi kết hôn bố mẹ tôi có 3 người con, tôi là con út sinh năm 1983. Năm 1995, bố tôi đã bỏ mẹ con gia đình vào Nam lập nghiệp và sinh sống cùng một người phụ nữ khác đến nay. Trong khi đó, bố tôi và mẹ vẫn chưa ly hôn. Mẹ tôi đã mất năm 2008.

Bố tôi và người phụ nữ kia có con riêng hiện khoảng 8 tuổi. Ông cũng không quan tâm gia đình tôi, con cái kể từ ngày bỏ đi. Ngay cả khi mẹ tôi mất và giỗ 1 năm, bố cũng không quan tâm. Đám cưới các chị em tôi bố cũng để mặc.

Tôi xin được các bạn tư vấn, theo luật định, người phụ nữ kia có phạm tội gì không? Chúng tôi có thể kiện người phụ nữ kia về tội sống như vợ chồng với người đã có gia đình hay tương đương không? Bố tôi có trách nhiệm gì với chúng tôi theo luật định không? Xin chân thành cảm ơn.

Quan hệ chăn gối của vợ chồng được luật hóa

Hình minh họa. Ảnh: Thanh Niên

Người vợ bị ép phải "chiều" chồng trong quan hệ "chăn gối" có quyền nhờ chính quyền hoặc các cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp để bảo vệ. Đó là nội dung Luật phòng chống bạo lực gia đình được thông qua, ngày 21/11.

> Bạo lực đang hoành hành trong gia đình  / Trăm kiểu bạo lực gia đình

Luật phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua với gần 90% đại biểu tán thành. Theo đó, bạo lực gia đình không chỉ là hành hạ, đánh đập mà còn cả việc gây áp lực tinh thần, làm tổn thương tâm lý cho người khác. Hành vi này bao gồm: lăng mạ, cố ý xúc phạm danh dự nhân phẩm; cưỡng ép quan hệ tình dục hay cố tình cô lập, xua đuổi; ngăn cản không cho thực hiện các quyền trong quan hệ với những người thân trong gia đình...

Việc cưỡng ép kết hôn, ly hôn; hay kiểm soát thu nhập các thành viên trong gia đình nhằm tạo nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính cũng bị luật nghiêm cấm. Phạm vi điều chỉnh của luật này mở rộng ra cả những đôi nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng.

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Nạn nhân bị bạo lực gia đình có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền can thiệp để bảo vệ quyền lợi cho mình. Họ sau đó còn được bố trí nơi tạm lánh, và địa điểm này được giữ bí mật. Thậm chí, tòa án có quyền ra quyết định cấm người có hành vi bạo lực không được tiếp xúc với nạn nhân khi thấy việc này là cần thiết hoặc nạn nhân có đơn yêu cầu.

Khi gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi hoặc các trường hợp đặc biệt khác cần phải tiếp xúc thì người có hành vi bạo lực gia đình phải báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân. Trình tự giải quyết được thực hiện tương tự quy định của pháp luật tố tụng dân sự về các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Theo quy định của luật, cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát phải chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Người vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp là cán bộ công chức thì bị thông báo hành vi cho người đứng đầu cơ quan để giáo dục.

Cũng trong sáng 21/11, Quốc hội còn thông qua luật Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm với gần 90% đại biểu tán thành. Luật này cùng với Luật phòng, chống bạo lực gia đình sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2008.

Tiếp đó, Quốc hội đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII và năm 2008 với 128 dự án luật, pháp lệnh. Trong đó, 93 dự án thuộc chương trình chính thức và 35 dự án luật thuộc chương trình chuẩn bị…

Chiều nay, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII kết thúc sau hơn 20 ngay làm việc.

Anh Thư

'Chậm kê khai thuế có thể bị phạt 2 triệu đồng'

Tổng cục Thuế đang triển khai thu thuế thu nhập cá nhân với các nghệ sĩ. Trước thông tin về việc có thể một số cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế, bạn đọc đã đề nghị VnExpress giải thích cơ chế xử lý hành vi này.

Theo quy định pháp luật, trốn thuế là hành vi phạm pháp. Người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Ngoài ra, đối tượng trốn thuế còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung khác như phạt tiền (ngoài số thuế bị truy thu)… Tuy nhiên, pháp luật cũng có sự phân biệt giữa hành vi "chưa đến mức bị coi là tội phạm" với hành vi "bị coi là tội phạm". Không phải ai vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế, mà có thể bị xử phạt hành chính bằng các hình thức khác nhau…

Với những trường hợp quá thời hạn quy định từ trên 10 ngày làm việc mà chưa đăng ký thuế, nộp tờ khai thuế thì sẽ bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.

Nghị định 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế quy định, trốn thuế gồm những hành vi sau : (1) Để ngoài sổ kế toán số liệu kế toán hoặc hạch toán kế toán không đúng quy định của chế độ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. (2) Sửa chữa, tẩy xoá chứng từ kế toán, sổ kế toán nhằm làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. (3) Kê khai, xác định không đúng các căn cứ tính thuế theo quy định làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. (4) Sử dụng hoá đơn khống hoặc các chứng từ kế toán khống khác nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. (5) Huỷ bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. (6) Lập hai hệ thống sổ kế toán có nội dung ghi khác nhau nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm...

Nghị định 100 cũng không quy định về việc dùng các "biện pháp xử lý khác" để hỗ trợ như: cơ quan văn hóa - thông tin tuyên bố không cấp phép hoạt động biểu diễn cho các ca sĩ khi chưa thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong trường hợp đối tượng cố tình không nộp thuế thu nhập . Điều 161 Bộ luật hình sự ( tội trốn thuế ) quy định: Người nào trốn thuế từ 50 triệu đến dưới 150 triệu đồng bị phạt tiền gấp 1-5 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Người vi phạm chưa đến mức đó cũng bị áp dụng mức phạt trên nếu "đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế" mà còn vi phạm; hoặc bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại điều 153 ( buôn lậu ), 154 ( vận chuyển trái phép, hàng hoá, tiền tệ qua biên giới ), 155 ( sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm ), 156 ( sản xuất, buôn bán hàng giả ), 157 ( sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh ), 158 ( sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi ), 159 ( kinh doanh trái phép ), 160 ( đầu cơ ), 164 ( làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả ), 193 ( sản xuất trái phép chất ma tuý ), 194 ( tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý ), 195 ( tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất sử dụng trái phép chất ma tuý ), 196 ( sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý ), 230 ( chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự ), 232 ( chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ ), 233 ( chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ ), 236 ( sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ ) và 238 ( sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc ) của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Người phạm tội trốn thuế với từ 150 đến dưới 500 triệu đồng hoặc tái phạm về tội này thì bị phạt tiền 1-5 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người trốn thuế với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù 2-7 năm. Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 1-3 lần số tiền trốn thuế.

Thạc sĩ Phạm Thanh Bình

Văn phòng Luật sư Hồng Hà