Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2010

Không thể kiện đòi lại giấy tờ nhà

Hiện nay, tòa án không thụ lý việc khởi kiện đòi giấy tờ nhà vì nó không phải là tài sản. Đương sự nhờ cơ quan chức năng cấp phó bản hay nhờ công an giải quyết cũng không được.

TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) vừa từ chối thụ lý đơn kiện đòi giấy tờ nhà của bà X. bởi nó không nằm trong danh mục vụ kiện mà tòa thụ lý. Điều này khiến bà X. không biết phải làm sao để đòi lại giấy tờ của mình.

Biết chỗ giữ nhưng không thể đòi

Trước đó, chồng bà lén mang giấy tờ nhà đi vay tiền của ông B. Thời gian sau, ông C. gọi điện thoại đến nói đang giữ giấy tờ trên. Gặp nhau, bà X. mới té ngửa khi biết ông B. đã dùng giấy tờ nhà của bà để vay tiền người này. Hiện giờ người này tìm ông B. không được nên buộc bà phải giao tiền để đổi giấy.

Không đồng ý, bà đi tìm ông B. nhưng chỉ nghe được điệp khúc... không biết gì cả. Vì thực chất người đứng tên cho chồng bà vay không phải ông. Bà quyết định trình báo công an nhưng lại bị từ chối vì cho rằng đây là việc dân sự, hai bên tự giải quyết. Bà chuyển sang báo mất giấy, rồi yêu cầu cơ quan chức năng cấp phó bản nhưng nơi đây biết bà đang có tranh chấp với người cho vay nên nhỏ nhẹ từ chối. Bà chạy qua tòa thì tòa cũng lắc đầu.

Đến lúc này, bà X. chỉ biết than khóc với khoản nợ lớn từ trên trời rơi xuống...

Có hướng dẫn nhưng còn tranh cãi

Một cán bộ thụ lý của TAND TP.HCM giải thích, trước đây tòa vẫn thụ lý nhưng từ sau năm 2007 thì Tòa án TP có hướng dẫn không thụ lý nữa vì loại việc này không có trong quy định. Sở dĩ Tòa án TP có thao tác trên là xuất phát từ văn bản của TAND Tối cao (ngày 27-3-2007) trả lời cho TAND tỉnh An Giang rằng việc đòi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà thuộc thẩm quyền của cơ quan khác (!?).

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM giải thích thêm, giấy chứng nhận không phải là tài sản (như cái nhà, cái xe cụ thể...) nên không thể khởi kiện để đòi.

Nhưng trên thực tế, nhiều thẩm phán tòa án quận phản đối quan điểm trên. Theo họ, nếu cho mượn một tờ giấy A4 mà không trả cũng có quyền khởi kiện để đòi vì tờ giấy đó cũng là tài sản. Vậy tại sao giấy tờ nhà đất là giấy tờ có giá trị lại không được quyền khởi kiện để đòi? Bản thân tờ giấy trước khi đem in để làm giấy chứng nhận đã là tài sản. Nhưng tại sao sau khi in xong thì nó lại không được xem là tài sản? Điều này rất vô lý.

Đồng tình, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định giấy tờ nhà là loại giấy có giá trị. Nó là tài sản của đương sự nên tòa vẫn có thể thụ lý vụ việc đòi giấy tờ. Ở nước ngoài, các loại giấy tờ đó được khẳng định trong luật là tài sản của người dân.

Để quên, đòi cũng không được

Ách giữa đàng như bà X. không phải là hiếm. Cách đây chưa lâu, bà H. ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) để quên giấy tờ nhà ở một tiệm photocopy. Ông chủ tiệm nhìn thấy liền mang đi vay tiền. Bà đến đòi thì ông này thú thật chuyện trên rồi chỉ cho bà biết người cho ông vay. Người này đòi bà phải trả 50 triệu đồng thì mới cho lấy giấy tờ. Bà không đồng ý.

Gần hai năm tới lui đòi giấy mà không xong, bà được người quen hướng dẫn làm giấy cớ mất, đăng báo để được cấp lại giấy. Bà vội vã làm theo. Tuy nhiên, sau đó bà nhận được công văn từ chối giải quyết với lý do nhà đất trên có tranh chấp của người cho vay. Trước tình huống này, bà nộp đơn tố giác hành vi chiếm giữ trái phép giấy tờ của những người liên quan nhưng cơ quan công an vẫn bảo đó chỉ là tranh chấp dân sự. Bà nộp đơn khởi kiện người cho vay để đòi lại giấy thì được biết các tòa không thụ lý theo chỉ đạo của TAND Tối cao.

Tòa lách luật giùm đương sự

Năm 2008, TAND một quận ở TP.HCM sau khi có hướng dẫn không thụ lý việc đòi giấy tờ nhà, tòa đã gỡ vướng cho đương sự khỏi khổ.

Trước đó, ông P. ủy quyền cho ông N. được toàn quyền cầm giấy tờ nhà của ông đi vay tiền giúp mình. Ông N. đã vay bà Y. rồi mang tiền về cho ông P. Một thời gian sau, bà Y. biến mất. Hai ông bạn kéo nhau đến Phòng Tài nguyên và Môi trường quận xin cấp phó bản thì bị từ chối vì đã quá thời hạn ủy quyền 20 ngày rồi. Trong thời gian này, ai biết một trong hai bên đã làm gì giấy tờ đó. Cán bộ phòng này bỏ nhỏ ra tòa chắc sẽ xong. Kiện ra tòa đòi giấy thì tòa từ chối ngay.

Tuy nhiên, tòa cũng lách, đưa vụ này sang thành vụ kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa ông P. và ông N. (dù thực tế là hợp đồng này giữa hai ông đã chấm dứt). Việc kiện này là nhằm cho tòa có cớ tuyên ông N. trả lại giấy tờ nhà cho ông P. Sau đó, tòa làm văn bản hòa giải, chấp nhận thỏa thuận, trong thời hạn ba tháng nếu ông N. không thể trả lại giấy tờ nhà thì ông P. có quyền ra Phòng Tài nguyên và Môi trường quận để xin cấp phó bản.

Tuy nhiên, cách lách trên chỉ áp dụng cho trường hợp cụ thể và cũng gây ra băn khoăn cho các cán bộ tòa khi giải quyết. Giả sử nếu sự việc không như ông N. kể mà thực chất là ông đã thế chấp giấy tờ cho bà Y. Và bà Y. vì một lý do gì đó đi đâu xa một thời gian, không phải trốn không hề biết giữa hai ông P. và ông N. có tranh chấp. Tòa giải quyết vậy có phải thiệt thòi cho bà Y. không. Nếu được thụ lý việc đòi giấy tờ nhà, tòa sẽ mời bà Y. vào với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Nếu bà không đến, tòa sẽ niêm yết công khai giấy triệu tập tại địa phương..., sau đó giải quyết vụ việc như bình thường mà không sợ thiệt thòi cho bên nào và an tâm hơn.

HOÀNG YẾN

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2010

Mở công ty dịch vụ bảo vệ phải có vốn 2 tỷ đồng

Chúng tôi dự định thành lập công ty làm dịch vụ bảo vệ. Xin cho biết cần phải có những điều kiện gì? Điều kiện, tiêu chuẩn đối với người đứng đầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ?" (

Lê Minh, thành phố Bắc Giang

)

Trả lời:

Theo Nghị định của Chính phủ số 52/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ thì điều kiện thành lập, đăng ký kinh doanh dịch vụ bảo vệ được quy định như sau:

- Đối với tổ chức, cá nhân trong nước: Phải có vốn pháp định là 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng); mức vốn này được duy trì trong suốt quá trình hoạt động. Để chứng minh điều kiện về vốn, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn của những người sáng lập hoặc quyết định giao vốn của chủ sở hữu...

Đối với số vốn được góp bằng tiền, phải có xác nhận của ngân hàng về số tiền ký quỹ của các thành viên sáng lập; đối với số vốn góp bằng tài sản, phải có chứng thư của tổ chức có chức năng định giá ở Việt Nam về kết quả định giá tài sản được đưa vào góp vốn. Chứng thư phải còn hiệu lực tính đến ngày nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền.

Doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thì doanh nghiệp nước ngoài phải là doanh nghiệp chuyên kinh doanh dịch vụ bảo vệ, có số vốn và tổng giá trị tài sản từ 500.000 USD trở lên; đã có thời gian hoạt động kinh doanh liên tục từ 5 năm trở lên; có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người đại diện cho phần vốn góp của doanh nghiệp trong liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam chưa vi phạm pháp luật nước sở tại hoặc pháp luật của nước có liên quan.

Người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và những người trong hội đồng thành viên, hội đồng quản trị; tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc và các sáng lập viên tham gia thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng và không thuộc một trong các trường hợp bị cấm không được thành lập, quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ và trực tiếp thực hiện các hoạt động dịch vụ bảo vệ (người bị Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật khác cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp; người đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, bị phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách hoặc bị Tòa án cấm hành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ hoặc người có tiền án về các tội do lỗi cố ý hoặc người đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính; người nghiện ma túy).

- Có trình độ học vấn từ cao đẳng, đại học trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, luật.

Những người đã làm việc cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ khác đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh còn phải thỏa mãn thêm điều kiện: trong ba năm trước liền kề không làm quản lý hoặc giữ chức danh chủ chốt của doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Bắt chủ kho hàng quân trang, quân dụng qui mô lớn

(NLĐO) - Ngày 3-3, Trung tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Công an quận Tân Phú - TPHCM, cho biết, cơ quan CSĐT Công an quận này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng để điều tra đối với Tô Tuấn Anh, ngụ 48/2/7 Lê Văn Phan (P. Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú), vì đã có hành vi "Buôn bán hàng cấm".


Mũ kêpi của sĩ quan quân đội và nón của CS 113, CSGT thu tại công ty do ông Tô Tuấn Anh(ảnh nhỏ) làm chủ

Sau khi bắt giữ đối tượng, lực lượng công an tiến hành khám xét nhà và công ty do Tô Tuấn Anh làm chủ, phát hiện và thu giữ hơn 30 chủng loại hàng cấm, như: còng, roi điện, dùi cui, phù hiệu, quần áo của lực lượng công an xã...

Trước đó, báo Người Lao Động ngày 25-6-2009 và 26-6-2009 đã thông tin, vào ngày 24-6-2009, Đội Quản lý thị trường phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (tạm viết tát là CSĐT QLKT-CV) Công an quận Tân Phú kiểm tra Công ty TNHH SX-XNK Tài Lan Anh, ở số 48/2/7 Lê Văn Phan và Công ty Cổ phần SX-TM-XNK Phúc Thọ ở số 007 chung cư Vườn Lài (đối diện Công ty Tài Lan Anh).

Tại 2 công ty này, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục chủng loại các mặt hàng quân trang quân dụng, là những mặt hàng cấm kinh doanh, như: nón cối, nón kêppi, bia tập bắn, lều trung đội, áo giáp chống đạn, giày cấp tướng, dao găm cao su, bạt dù, quần áo rằn ri... của quân đội; Khiên nhựa có chữ Police dùng cho cảnh sát chống bạo động, dùi cui, nón có lưới sắt của cảnh sát cơ động, nón nhựa của Cảnh sát 113, gậy tín hiệu giao thông, nón bảo hiểm màu vàng của cảnh sát giao thông, áo giáp chống đạn, máy phá sóng điện thoại di động...


Nón 113 của Tuấn Anh bị thu giữ

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện Công ty Tài Lan Anh kinh doanh các mặt hàng chỉ dành cho các hoạt động quân sự, như: máy bắn tập MBT 03 (2006) có bộ thiết bị tạo tiếng nổ, mô hình động dùng để huấn luyện cấu tạo hoạt động của súng AK, súng AK bắn kiểm tra bằng laze, đạn K56 (dùng cho súng AK và súng CKC), lựu đạn tập bằng kim loại (dạng quả na, quả trứng), hộp đạn súng bộ binh hệ I và hệ II...

Đáng chú ý, trong tập báo giá dài hàng chục trang của Công ty Tài Lan Anh có đến 298 chủng loại hàng "độc", như: ống nhòm ban đêm (loại 1 mắt), giá 13-15 triệu đồng/cái; ống nhòm ban đêm (loại 2 mắt), giá 22-25 triệu đồng/cái (xuất xứ từ Mỹ); máy phá sóng (bán kính 15 m - 25 m, giá 38-58 triệu đồng/cái), thậm chí có cả... bộc phá loại khối và ống (dùng để huấn luyện trong quân sự) và súng B40 và B41 (có kèm theo đạn tập) với giá bán 3,5 - 3,7 triệu đồng/khẩu.


Kiểm kê hàng của Tô Tuấn Anh

Thiếu tá Hồ Viết Tuấn, Phó trưởng Đội CSĐT QLKT-CV Công an quận Tân Phú, cho biết sau khi có kết quả giám định từ cơ quan hậu cần của quân đội và công an về các mặt hàng trên là hàng cấm, cơ quan CSĐT đã bắt khẩn cấp Tô Tuấn Anh khi đối tượng này đang đi trên đường. Lúc bắt đối tượng, công an còn thu giữ được một số hàng cấm như roi điện, dùi cui, còng... trên ôtô mà Tuấn Anh đang lưu thông".

Theo trung tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Công an quận Tân Phú, đây là loại án đầu tiên trên địa bàn TPHCM do cơ quan CSĐT Công an quận Tân Phú điều tra và khởi tố. Để qua mặt cơ quan pháp luật, bị can Tô Tuấn Anh dùng thủ đoạn lập ra một số công ty rồi để người khác đứng tên, còn mình thì đứng ra điều khiển. Tuy nhiên qua điều tra, đối tượng này đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Hiện vụ án vẫn đang mở rộng điều tra".

Đến tháng 7-2009, báo NLĐ cũng đã có thêm loạt bài phản ánh ông Tô Tuấn Anh lợi dụng mục đích từ thiện, lập Trường Nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật và lang thang cơ nhỡ Tia Sáng (ở xã Đại Lào, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), nhưng bán trẻ em ra cộng đồng với giá 20 - 30 triệu đồng/em.

Đến tháng 9-2009, cơ quan CSĐT Công an thị xã Bảo Lộc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Mạnh (hiệu trưởng trường), ông Trần Văn Hữu (nhân viên trường) để điều tra hành vi "Mua bán trẻ em".

Song song đó, cơ quan công an cũng tiến hành điều tra vai trò, trách nhiệm của Tô Tuấn Anh trong vụ án này, vì chủ trường là ông Tuấn Anh.

Bài - ảnh: TÂN TIẾN