Câu hỏi:
Thẩm quyền và thủ tục đăng ký giám hộ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời
Điều 53, 54 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định về việc đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài như sau:
Sở Tư pháp nơi người giám hộ hoặc người được giám hộ cư trú có thẩm quyền thực hiện đăng ký giám hộ.
Người được cử làm giám hộ phải nộp Giấy cử giám hộ. Giấy cử giám hộ do người cử giám hộ lập; nếu có nhiều người cùng cử một người làm giám hộ, thì tất cả phải cùng ký vào Giấy cử giám hộ.
Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc giám hộ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, thì Sở Tư pháp đăng ký việc giám hộ. Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.
Khi đăng ký việc giám hộ, người cử giám hộ và người được cử làm giám hộ phải có mặt. Việc đăng ký giám hộ được ghi vào Sổ đăng ký giám hộ và Quyết định công nhận việc giám hộ. Giám đốc Sở Tư pháp ký và cấp cho người giám hộ và người cử giám hộ mỗi bên một bản chính Quyết định công nhận việc giám hộ. Bản sao Quyết định công nhận việc giám hộ được cấp theo yêu cầu của người giám hộ và người cử giám hộ.
Trong trường hợp người được giám hộ có tài sản riêng, thì người cử giám hộ phải lập danh mục tài sản và ghi rõ tình trạng của tài sản đó, có chữ ký của người cử giám hộ và người được cử làm giám hộ. Danh mục tài sản được lập thành 3 bản, một bản lưu tại Sở Tư pháp, nơi đăng ký việc giám hộ, một bản giao cho người giám hộ, một bản giao cho người cử giám hộ.
Sau khi đăng ký giám hộ, Sở Tư pháp gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của người giám hộ và người được giám hộ bản sao Quyết định công nhận việc giám hộ để giám sát việc giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét