Tổng cục Thuế đang triển khai thu thuế thu nhập cá nhân với các nghệ sĩ. Trước thông tin về việc có thể một số cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế, bạn đọc đã đề nghị VnExpress giải thích cơ chế xử lý hành vi này.
Theo quy định pháp luật, trốn thuế là hành vi phạm pháp. Người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Ngoài ra, đối tượng trốn thuế còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung khác như phạt tiền (ngoài số thuế bị truy thu)… Tuy nhiên, pháp luật cũng có sự phân biệt giữa hành vi "chưa đến mức bị coi là tội phạm" với hành vi "bị coi là tội phạm". Không phải ai vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế, mà có thể bị xử phạt hành chính bằng các hình thức khác nhau…
Với những trường hợp quá thời hạn quy định từ trên 10 ngày làm việc mà chưa đăng ký thuế, nộp tờ khai thuế thì sẽ bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng.
Nghị định 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế quy định, trốn thuế gồm những hành vi sau : (1) Để ngoài sổ kế toán số liệu kế toán hoặc hạch toán kế toán không đúng quy định của chế độ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. (2) Sửa chữa, tẩy xoá chứng từ kế toán, sổ kế toán nhằm làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. (3) Kê khai, xác định không đúng các căn cứ tính thuế theo quy định làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. (4) Sử dụng hoá đơn khống hoặc các chứng từ kế toán khống khác nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. (5) Huỷ bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm. (6) Lập hai hệ thống sổ kế toán có nội dung ghi khác nhau nhằm mục đích làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn hoặc được miễn, giảm...
Nghị định 100 cũng không quy định về việc dùng các "biện pháp xử lý khác" để hỗ trợ như: cơ quan văn hóa - thông tin tuyên bố không cấp phép hoạt động biểu diễn cho các ca sĩ khi chưa thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các chuyên gia pháp luật cho rằng, cơ quan có thẩm quyền khi áp dụng biện pháp hỗ trợ cho việc thu thuế thu nhập cá nhân phải dựa vào quy định của pháp luật. Những đơn vị này không được dùng những biện pháp "ngoài luật" để đạt được mục đích thu thuế. |
Trong trường hợp đối tượng cố tình không nộp thuế thu nhập . Điều 161 Bộ luật hình sự ( tội trốn thuế ) quy định: Người nào trốn thuế từ 50 triệu đến dưới 150 triệu đồng bị phạt tiền gấp 1-5 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Người vi phạm chưa đến mức đó cũng bị áp dụng mức phạt trên nếu "đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế" mà còn vi phạm; hoặc bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại điều 153 ( buôn lậu ), 154 ( vận chuyển trái phép, hàng hoá, tiền tệ qua biên giới ), 155 ( sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm ), 156 ( sản xuất, buôn bán hàng giả ), 157 ( sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh ), 158 ( sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi ), 159 ( kinh doanh trái phép ), 160 ( đầu cơ ), 164 ( làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả ), 193 ( sản xuất trái phép chất ma tuý ), 194 ( tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý ), 195 ( tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất sử dụng trái phép chất ma tuý ), 196 ( sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý ), 230 ( chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự ), 232 ( chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ ), 233 ( chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ ), 236 ( sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ ) và 238 ( sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc ) của Bộ luật hình sự, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Người phạm tội trốn thuế với từ 150 đến dưới 500 triệu đồng hoặc tái phạm về tội này thì bị phạt tiền 1-5 lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người trốn thuế với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù 2-7 năm. Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 1-3 lần số tiền trốn thuế.
Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
Văn phòng Luật sư Hồng Hà
0 nhận xét:
Đăng nhận xét