Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

ĐẠI DIỆN THEO ỦY QUYỀN: TỪ PHÁP LUẬT NỘI DUNG ĐẾN TỐ TỤNG DÂN SỰ

NGUYỄN MINH HẰNG

Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 15/6/2004 đã bổ sung và hoàn thiện thêm về chế định người đại diện của đương sự, đặc biệt liên quan đến các quy định về người đại diện theo ủy quyền. Trong phạm vi bài viết dưới đây, tác giả trao đổi một số vấn đề xung quanh quy định về ủy quyền và việc chấm dứt đại diện theo ủy quyền, những vướng mắc nảy sinh từ việc hiểu và áp dụng các quy định của BLTTDS về vấn đề này trong thực tiễn thụ lý và giải quyết các tranh chấp dân sự. Từ đó, tác giả đưa ra kiến nghị góp phần hoàn thiện về ủy quyền và việc chấm dứt đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự

Việc tham gia của người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự

Tương tự như trong pháp luật nội dung (Xem hộp 1), pháp luật tố tụng dân sự (từ Điều 73 đến Điều 78 BLTTDS) phân chia người đại diện ra làm 2 loại là người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Việc tham gia tố tụng của người đại diện của đương sự nói chung và người đại diện theo ủy quyền nói riêng trong tố tụng dân sự có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết các vụ án dân sự, đặc biệt trong trường hợp đương sự không tự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình.

Hộp 1: Theo Bộ luật Dân sự (BLDS) "Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản" (Điều 151). Người đại diện theo ủy quyền là "Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có thể ủy quyền cho người khác phù hợp với quy định của Bộ luật này nhân danh mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự" (Điều 152). Điều 150 khoản 2 làm rõ hơn khái niệm hạn chế đối với người đại diện theo ủy quyền "Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không được làm người đại diện theo ủy quyền". Như vậy, khi hai bên (bên ủy quyền và bên được ủy quyền) thiết lập một quan hệ ủy quyền đồng thời thiết lập một quan hệ hợp đồng với tính chất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Bên ủy quyền phải trả thù lao nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Trong quan hệ ủy quyền, người được ủy quyền thay mặt người ủy quyền thực hiện một số hành vi nhất định làm phát sinh hậu quả pháp lý liên quan đến quyền lợi của các bên trong quan hệ hợp đồng hoặc lợi ích của người đã ủy quyền trong phạm vi ủy quyền. Vì vậy, xét về mặt bản chất pháp lý, quan hệ ủy quyền luôn tồn tại 2 quan hệ:

1) Quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền. Trong quan hệ này người được uỷ quyền có nghĩa vụ phải thực hiện các hành vi pháp lý trong phạm vi ủy quyền. Người được ủy quyền phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ của mình mà không được ủy quyền lại cho người khác trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

2) Quan hệ giữa người được ủy quyền với bên thứ ba của giao dịch. Người được ủy quyền với tư cách của người đã ủy quyền giao kết hoặc thực hiện các giao dịch dân sự với bên thứ ba. Người được ủy quyền có những quyền và nghĩa vụ nhất định với bên thứ ba của giao dịch.

Người đại diện theo ủy quyền được hiểu là người thay mặt đương sự tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự ủy quyền của đương sự. Trong thực tiễn, rất nhiều trường hợp đương sự thường không có kinh nghiệm tham gia tố tụng và thiếu sự hiểu biết pháp luật đầy đủ, vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho đương sự BLTTDS quy định đương sự có thể ủy quyền cho Luật sư hoặc người khác (trừ những trường hợp không được làm người đại diện theo quy định tại Điều 75 BLTTDS) đại diện tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong mọi việc, ngoại trừ đối với việc ly hôn vì liên quan đến quan hệ tình cảm giữa các đương sự (Điều 73 BLTTDS).

Khi các chủ thể tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể hoàn toàn bình đẳng về địa vị pháp lý, có quyền tự định đoạt. Khi xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ giữa họ thì họ có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu giải quyết các tranh chấp dân sự. Quyền hợp pháp này được ghi nhận tại Điều 161 BLTTDS: "Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình". Như vậy, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị các chủ thể khác xâm phạm hoặc có thể ủy quyền cho người đại diện khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Quy định này cũng phù hợp với quy định của BLDS về hợp đồng ủy quyền. Về nguyên tắc, việc ủy quyền của đương sự cho người đại diện phải được lập thành văn bản (Điều 586 BLDS), trong đó phải nêu rõ phạm vi ủy quyền. Hình thức ủy quyền là căn cứ pháp lý để xác định phạm vi ủy quyền, nghĩa vụ của người được ủy quyền, đồng thời xác định trách nhiệm dân sự của người ủy quyền hoặc người được ủy quyền khi tham gia vào quan hệ tố tụng dân sự. Đương sự có thể ủy quyền cho người đại diện một phần hoặc toàn bộ các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Người đại diện theo ủy quyền được thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự trong phạm vi ủy quyền (Điều 74 BLTTDS).

Thực trạng áp dụng

Thực tiễn xét xử hiện nay đang gặp nhiều lúng túng trong việc hiểu và vận dụng quy định của BLTTDS hướng dẫn về vấn đề này.

1. Xác định tính hợp pháp về hình thức của đơn khởi kiện do người đại diện theo ủy quyền đứng đơn khởi kiện

Về hình thức, nội dung đơn khởi kiện, tại điểm 1 khoản 2 Điều 164 BLTTDS quy định: "Người khởi kiện là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ; nếu cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu ở phần cuối đơn".

Tuy nhiên, trong trường hợp nguyên đơn do ở xa và vì nhiều lý do khác nhau không thể trực tiếp tham gia vụ kiện, do đó, nguyên đơn lập hợp đồng uỷ quyền cho người được uỷ quyền thay mặt mình giải quyết tranh chấp cả trong giai đoạn tiền tố tụng (chẳng hạn như thay mặt người ủy quyền hoà giải tại cấp cơ sở đối với những vụ kiện tranh chấp quyền sử dụng đất…) và trong quá trình tố tụng tại Tòa án. Nhiều trường hợp nguyên đơn lập hợp đồng uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp với phạm vi ủy quyền được xác định cụ thể là "Bên được ủy quyền được quyền nhân danh và thay mặt Bên ủy quyền làm đơn khởi kiện và tham gia tố tụng từ khi Tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án cho đến khi kết thúc quá trình tố tụng. Mọi ý kiến và quyết định của bên được ủy quyền là ý kiến, quyết định của bên ủy quyền". Vì vậy, người đại diện theo uỷ quyền làm đơn khởi kiện và ký tên trong đơn khởi kiện. Việc này có 2 quan điểm:

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải trực tiếp ký đơn mà không được thông qua người đại diện theo ủy quyền mặc dù có hợp đồng ủy quyền hợp pháp với phạm vi ủy quyền bao gồm cả ủy quyền khởi kiện. Đơn khởi kiện phải thể hiện rõ nội dung vụ việc và những yêu cầu của người khởi kiện đối với Tòa án, do đó, người khởi kiện là cá nhân phải trực tiếp ký tên vào đơn khởi kiện, nếu là người đại diện của cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu ở phần cuối đơn. Đây là điều kiện bắt buộc về mặt hình thức của đơn khởi kiện mà điểm 1 khoản 2 Điều 164 quy định.

2. Khi tồn tại hợp đồng ủy quyền hợp pháp, ý chí của người ủy quyền đã thể hiện rõ trong nội dung và phạm vi ủy quyền. Vì vậy, không nhất thiết buộc người khởi kiện phải trực tiếp viết và ký vào đơn mà căn cứ theo hợp đồng ủy quyền được xác lập giữa người ủy quyền và người đại diện theo ủy quyền, người đại diện theo ủy quyền hoàn toàn có quyền viết và ký đơn.

Về lý luận, đơn khởi kiện là cơ sở pháp lý để Tòa án xem xét thụ lý vụ án dân sự; cá nhân, cơ quan tổ chức có thể ủy quyền cho người đại diện khởi kiện để bảo vệ lợi ích của mình (Điều 161 BLTTDS).

Khi xác lập quan hệ ủy quyền, người được ủy quyền sẽ thay mặt và đại diện cho người ủy quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng trong phạm vi và nội dung ủy quyền, đồng thời chịu trách nhiệm về công việc ủy quyền. Vì vậy, không thể nói rằng nếu người đại diện ủy quyền ký vào đơn khởi kiện là không thể hiện ý chí và nguyện vọng của người khởi kiện. Mặt khác, nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức làm hợp đồng ủy quyền cho Luật sư thay mặt cơ quan, tổ chức khởi kiện và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu bắt buộc "đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu ở phần cuối đơn" thì không thể thực hiện được (Luật sư không phải là chủ thể có đủ thẩm quyền để đóng con dấu của Bên ủy quyền – cơ quan, tổ chức đó). Mặt khác, Điều 161 quy định: "Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện)..". Bản thân quy định chung này đã trao quyền cho người đại diện hợp pháp khởi kiện và người đại diện hợp pháp được đặt trong thuật ngữ chung gọi là "người khởi kiện". Bên cạnh đó, về nội dung, điểm 1 khoản 2 Điều 164 không cấm người đại diện ủy quyền đứng tên trong đơn khởi kiện.

Vì vậy, để thống nhất trong việc áp dụng luật, Tòa án nhân dân tối cao cần sớm có hướng dẫn cụ thể về Điều 164 BLTTDS, trong đó, có việc xác định tính hợp pháp về hình thức của đơn kiện trong 2 trường hợp:

Một là: Người khởi kiện là cá nhân phải điểm chỉ vào đơn; nếu cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn (theo điểm 1 khoản 2 Điều 164 BLTTDS).

Hai là: Người đại diện ủy quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải ký tên vào phần cuối đơn. Kèm theo đơn khởi kiện, người đại diện ủy quyền phải xuất trình được hợp đồng ủy quyền hợp pháp với phạm vi ủy quyền được xác định rõ bao gồm cả ủy quyền đứng đơn khởi kiện.

2. Về hình thức văn bản ủy quyền và việc xác định loại ủy quyền

Điều 586 BLDS có quy định: "Hợp đồng ủy quyền phải lập thành văn bản; nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định, thì hợp đồng ủy quyền phải có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền". Quy định này chưa rõ ủy quyền phải qua công chứng, chứng thực trong những trường hợp nào. Điều này liên quan đến việc chấp nhận hay không chấp nhận văn bản ủy quyền do các bên xuất trình tại Tòa.

Thẩm quyền đại diện theo ủy quyền phụ thuộc vào loại ủy quyền:

- ủy quyền một lần cho phép thực hiện đại diện để thực hiện một hành vi nhất định;

- ủy quyền riêng biệt quy định thẩm quyền đại diện trong một thời gian nhất định, đối với một loại hành vi nhất định;

- Thẩm quyền đại diện chung, đó là người đại diện theo ủy quyền được người ủy quyền trao cho thẩm quyền đại diện chung. Thẩm quyền đại diện trong trường hợp này có hiệu lực đối với nhiều loại hành vi trong một khoảng thời gian nhất định. Người được ủy quyền chung có thể thực hiện mọi công việc thay mặt người ủy quyền trong thời hạn đó.

Xác định loại ủy quyền liên quan đến việc xác định các hình thức ủy quyền. Có nhiều hình thức ủy quyền vẫn tồn tại:

- Hình thức ủy quyền giữa cá nhân với cá nhân: Bằng việc lập một hợp đồng ủy quyền có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Trong các cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan nhà nước ra quyết định phân công nhiệm vụ cho cấp phó hoặc công chức trong cơ quan khi tham gia quan hệ giao dịch với chủ thể khác thông qua giấy giới thiệu của cơ quan.

- Hình thức ủy quyền chuyên biệt mang tính thường xuyên trong nội bộ pháp nhân. Trong hoạt động pháp nhân hiện nay tồn tại phổ biến hình thức ủy quyền này. Theo quy định tại Điều 102 BLDS đại diện theo pháp nhân có thể đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân là người đứng đầu pháp nhân được quy định trong quyết định thành lập pháp nhân hoặc trong điều lệ của pháp nhân. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện nhiệm vụ đại diện. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm về hành vi của người đại diện theo ủy quyền. Để xác định rõ trách nhiệm của pháp nhân hay trách nhiệm của cá nhân cần phải quy định cụ thể về hình thức ủy quyền. Thông thường người đứng đầu pháp nhân chỉ phụ trách việc điều hành tổng thể, còn các cấp phó mỗi người phụ trách một công việc nhất định. Đây là loại hình thức ủy quyền chuyên biệt, thường xuyên và người được ủy quyền phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước người ủy quyền về mảng công việc của mình.

Trong quá trình thụ lý giải quyết tranh chấp dân sự, nhiều vụ kiện giữa pháp nhân với cá nhân không có đăng ký kinh doanh nảy sinh các tranh chấp trong các quan hệ hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Thông thường, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân là giám đốc, hoặc tổng giám đốc. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó đứng ra khởi kiện, ký tên, đóng dấu vào đơn khởi kiện hoặc ủy quyền cho người khác khởi kiện. Thực tiễn tại các Tòa án đã có nhiều trường hợp, phó giám đốc (hoặc phó tổng giám đốc) đứng đơn khởi kiện hoặc ủy quyền cho Luật sư hoặc người khác đại diện tham gia tố tụng, trong nhiều vụ kiện người đứng đầu pháp nhân không lập hợp đồng ủy quyền mà thông qua giấy giới thiệu của cơ quan với nội dung ủy quyền cho công chức hoặc nhân viên của mình thay mặt pháp nhân tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền. Việc có chấp nhận hay không chấp nhận các văn bản ủy quyền này đặt ra nhiều vấn đề.

Theo pháp luật tố tụng dân sự thì đương sự là pháp nhân tham gia tố tụng thông qua người lãnh đạo của mình hoặc người đại diện được pháp nhân ủy quyền bằng văn bản. Đối với trường hợp pháp nhân tham gia tố tụng tại Tòa án liên quan đến lĩnh vực phó giám đốc (hoặc phó tổng giám đốc) được phân công phụ trách ghi trong điều lệ pháp nhân thì việc xác định giá trị pháp lý của văn bản ủy quyền do phó giám đốc (hoặc phó tổng giám đốc) ký là vấn đề còn nhiều vướng mắc. Điều này liên quan đến quy định về loại ủy quyền và hình thức ủy quyền đang bỏ trống trong BLDS.

Có ý kiến cho rằng việc kiểm tra tính hợp pháp của các văn bản ủy quyền còn liên quan đến việc xác định tính chất của loại hình ủy quyền chuyên biệt. Tòa án cần xem xét các văn bản do pháp nhân cung cấp có thuộc loại hình ủy quyền chuyên biệt này hay không. Nếu xác định là có việc ủy quyền chuyên biệt thì văn bản ủy quyền này được chấp nhận. (Xem hộp 2).

Hộp 2: Về vấn đề này Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn tại công văn số 227/2004 ngày 30/12/2004, tuy nhiên, chỉ đề cập đến văn bản của UBND do Phó Chủ tịch UBND ký ủy quyền cho cán bộ đại diện tham gia tố tụng dân sự, hành chính. Trong công văn này có hướng dẫn cụ thể: "Đối với trường hợp Uỷ ban nhân dân tham gia tố tụng tại TAND giải quyết các vụ án dân sự, hành chính liên quan đến lĩnh vực Phó Chủ tịch UBND được Chủ tịch UBND phân công phụ trách thì Phó Chủ tịch UBND được quyền tự mình thay mặt Chủ tịch UBND tham gia tố tụng hoặc ủy quyền bằng văn bản cho người khác tham gia tố tụng. Tòa án chấp nhận ủy quyền này là hợp pháp ".

Tuy nhiên, đó mới chỉ là hướng dẫn về một trường hợp cụ thể mà không phải cho mọi trường hợp liên quan đến việc xác định tính chất của loại ủy quyền.

Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật nội dung trong việc bổ sung điều luật về hình thức ủy quyền, loại ủy quyền, Toà án nhân dân tối cao nên sớm có văn bản hướng dẫn giải thích về hình thức ủy quyền tố tụng, cụ thể là đối với chủ thể ủy quyền của loại hình ủy quyền mang tính chuyên biệt (không riêng đối với ủy quyền của Chủ tịch UBND); hình thức văn bản ủy quyền tham gia tố tụng có phải qua công chứng, chứng thực hay không? Có phải lập hợp đồng ủy quyền hay chỉ là giấy ủy quyền, hoặc giấy giới thiệu – đối với cơ quan, tổ chức?

3. Việc chấm dứt đại diện ủy quyền trong tố tụng dân sự

Ngoài việc quy định các loại đại diện, phạm vi đại diện, quyền và nghĩa vụ của người đại diện. BLTTDS quy định những căn cứ chấm dứt đại diện làm cơ sở cho việc xác định các hoạt động tố tụng hợp pháp của người đại diện theo ủy quyền (Điều 77 BLTTDS).

Quy định chấm dứt tư cách của người đại diện theo ủy quyền có thể xảy ra trong nhiều trường hợp. Tòa án áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 156 BLTTDS "Chấm dứt đại diện của cá nhân", Điều 157 "Chấm dứt đại diện của pháp nhân", Điều 594 "Chấm dứt hợp đồng ủy quyền" để xác định việc đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp:

Thời hạn ủy quyền theo hợp đồng ủy quyền đã hết. Về nguyên tắc trong thời hạn ủy quyền, bên được ủy quyền phải thực hiện xong công việc đã được ủy quyền. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vì những lý do khách quan hoặc chủ quan, bên được ủy quyền chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa xong nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng mà việc ủy quyền đã hết thời hạn thì hợp đồng ủy quyền vẫn chấm dứt về mặt pháp lý trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

Công việc ủy quyền đã hoàn thành;

Người ủy quyền hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được ủy quyền từ chối việc ủy quyền;

Người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chết, mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết.

Tương tự như vậy, đối với đại diện theo ủy quyền của đương sự là pháp nhân đại diện ủy quyền chấm dứt khi thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc ủy quyền đã hoàn thành; người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hủy bỏ việc ủy quyền hoặc pháp nhân chấm dứt.

Như vậy, pháp luật cho phép chấm dứt tư cách của người đại diện theo ủy quyền căn cứ theo ý chí của một bên trong quan hệ ủy quyền.

Việc đơn phương đình chỉ hợp đồng ủy quyền có thể đặt ra với cả 2 bên đại diện uỷ quyền và bên ủy quyền. Rất tiếc, trong pháp luật nội dung và tố tụng đều chưa đề cập đến quy định này.

Tại Điều 593 "đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng uỷ quyền" có đề cập đến thủ tục chấm dứt ủy quyền trong trường hợp uỷ quyền có thù lao và uỷ quyền không có thù lao. Khoản 1 Điều 593 quy định: "Nếu uỷ quyền không có thù lao, thì bên uỷ quyền có thể đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên kia một thời hạn hợp lý". Quy định này chưa rõ thế nào là thời hạn hợp lý? việc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng ủy quyền thể hiện dưới hình thức nào?

Chính nội dung đó đã dẫn đến các yêu cầu xử lý về văn bản tố tụng khác nhau ở các Tòa án. Có Toà cho rằng khi các bên lập hợp đồng ủy quyền qua công chứng, chứng thực thì khi đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng ủy quyền đó cũng phải qua công chứng, chứng thực. Nhưng, ở Tòa án khác lại cho rằng chỉ cần có văn bản của một bên xác định việc đơn phương đình chỉ hợp đồng ủy quyền là có thể chấp nhận.

Chúng tôi cho rằng đã nói đơn phương đình chỉ hợp đồng là thể hiện ý chí của một bên trong việc chấm dứt hợp đồng. Vì vậy, chỉ cần sự thể hiện bằng văn bản về việc chấm dứt hợp đồng uỷ quyền là được Toà án chấp nhận. Trong nhiều trường hợp, việc thể hiện ý chí này cũng không nhất thiết phải lập thành văn bản. Chẳng hạn việc chấm dứt ủy quyền ngay tại phần thủ tục bắt đầu phiên toà khi kiểm tra các căn cước của các đương sự, nếu vụ án có người đại diện ủy quyền. Nếu đương sự hoặc người đại diện theo ủy quyền khẳng định trước Hội đồng xét xử về việc rút ủy quyền ngay tại phiên toà thì không nhất thiết phải lập thành biên bản. ý chí chấm dứt ủy quyền của một bên trong quan hệ ủy quyền được thể hiện trong biên bản phiên tòa.

Ngoài ra, có quan điểm đề xuất cần quy định thống nhất về thời hạn ủy quyền. (Xem hộp 3)

Hộp 3: Trong bài "ủy quyền và đại diện" đăng trên báo Pháp luật Việt Nam – số 94 (2564) thứ Tư, ra ngày 20/4/2005, tác giả Đào Xuân Tiến đề xuất: "… cần quy định ủy quyền trực tiếp và quy định thời hạn cụ thể cho việc ủy quyền. Thực tế, có những trường hợp không phải ủy quyền trực tiếp 1 lần mà là ủy quyền kế tiếp nhiều lần, ví dụ A ủy quyền cho B, sau đó B lại ủy quyền cho C…Thực ra A có thể ủy quyền cho C nhưng trước đó phải chấm dứt uỷ quyền với B. Việc quy định thời hạn chung cho việc ủy quyền nhằm thống nhất quyền và nghĩa vụ của các chủ thể dân sự. Nhiều trường hợp, yếu tố thời gian trong ủy quyền mang tính quyết định về quyền, nghĩa vụ của chủ thể. Ví dụ: Nếu A ủy quyền vô thời hạn cho B sử dụng căn nhà thì rõ ràng ủy quyền này đã biến dạng thành việc chuyển quyền sở hữu căn nhà từ A sang B, hoặc nói cách khác, ủy quyền như vậy không khác là một hợp đồng tặng cho bất động sản giữa A và B. Trong tiết a, khoản 2 điều 139 dự thảo BLDS đã quy định về việc chấm dứt đại diện theo ủy quyền trong trường hợp "hết thời hạn uỷ quyền". Quy định như vậy là chưa cụ thể mà cần bổ sung thêm quy định về thời hạn chung cho việc ủy quyền nhiều nhất là 3 năm, nếu trong giấy ủy quyền không ghi uỷ quyền thì chỉ được coi việc ủy quyền này có thời hạn 1 năm.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/nha_nuoc_va_phap_luat/thuc-hien-luat-ban-hanh-van-ban-quy-pham-phap-luat-cua-h111nd-va-ubnd/?searchterm=%20%22tranh%20ch%E1%BA%A5p%22

0 nhận xét:

Đăng nhận xét