Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2010

MỘT SỐ QUI ĐỊNH VỀ HÔN NHÂN TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM THỜI PHÁP THUỘC

LÊ ĐÌNH (sưu tầm)

Người chồng có hôn thú và hôn thú chưa bị thủ tiêu, lúc biết vợ có thai mà lại bỏ nhà ra đi trên hai tháng không có lý do hệ trọng là phạm tội.

Ngay từ xưa, pháp luật của Pháp và Việt Nam đã có nhiều biện pháp chế tài khá nghiêm khắc trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Dù các quy định này khá "cổ", nhưng có nhiều điều cũng rất đáng để chúng ta suy gẫm.

Bỏ phế gia đình

Theo Luật ngày 7-2-1924, bỏ phế gia đình là một khinh tội do đặt ra để phạt người nào bị án tòa buộc cấp dưỡng cho người hôn phối, người tôn thuộc hay ti thuộc mà không chịu thi hành (tương tự như tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng ngày nay).

Sắc luật ngày 3-12-1942 bổ sung thêm vào tội danh trên ba loại hành vi nữa là bỏ cư sở gia đình ra đi trong khi có con vị thành niên, chồng bỏ vợ đang thai nghén và cha mẹ vô hạnh. Mức phạt: từ ba tháng đến một năm tù và phạt tiền từ 5.000 – 100.000 đồng. Nếu có tình tiết giảm nhẹ thì can phạm có thể được hưởng án treo.

Bỏ cư sở gia đình

Người cha hay người mẹ có con vị thành niên, không có duyên cớ hệ trọng nào mà lại bỏ cư sở gia đình ra đi hơn hai tháng (để lẩn tránh nghĩa vụ của mình về tinh thần hay vật chất đối với gia đình) là phạm tội. Các yếu tố cấu thành tội này là:

- Can phạm phải là cha hay mẹ của một hay nhiều đứa con. Ông bà hoặc người giám hộ không bị phạt về tội này. Nếu người chồng hoặc người vợ không có con (gồm con chính thức, con nuôi, chứ con tư sinh thì không được xem là có gia đình) thì có bỏ gia đình ra đi cũng không sao. Nếu người chồng biết vợ có thai mà bỏ đi thì mới có tội.

- Can phạm đã rời hẳn nơi cư trú của gia đình. Trường hợp vợ chồng ly thân hay ly hôn, người hôn phối nào được giao nuôi con mà bỏ đi thì mới phạm tội.

- Can phạm bỏ nhà ra đi trên hai tháng. Trong thời hạn trên hai tháng đó, can phạm đã bỏ phế, không nuôi dưỡng, săn sóc, dạy dỗ con cái, không lo cho con ăn học. Khi đặt ra quy định này, các nhà làm luật muốn trừng trị những bậc làm cha, làm mẹ mà bỏ mặc con cái về tinh thần lẫn vật chất chứ không phải nhắm vào việc bỏ nhà ra đi. Như vậy, người nào vì lý do phải đi làm xa nhưng có gửi tiền về nuôi con đầy đủ thì không phạm tội. Một án lệ đã xử trường hợp vợ chồng thỏa thuận sống riêng mà người cha chung sống với nhân tình nhưng cấp dưỡng cho con cái đầy đủ thì cũng không phạm tội. Còn khi cha mẹ bị tước quyền làm cha mẹ thì vẫn bị phạt tù nếu trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu trước hai tháng mà can phạm quay về nhà và thực hiện nghĩa vụ thì không bị tội.

- Can phạm cố tình vi phạm.

- Can phạm không có lý do chính đáng. Nếu can phạm có lý do chính đáng như y không dám ở nhà vì sợ bị người hôn phối bạo hành, vì chồng đem vợ bé về ở chung và làm nhục vợ lớn v.v… Can phạm có bổn phận chứng minh lý do chính đáng của mình. Tòa sẽ thẩm lượng các lý do can phạm đưa ra có chính đáng hay không để xử có tội hay vô tội.

Ngoài hình phạt chính, can phạm là nam còn có thể bị tước mất một phần hay trọn phụ quyền. Khi đó, phụ quyền sẽ đương nhiên được chuyển giao cho người mẹ nếu tòa không quyết định khác. Người hôn phối của nạn nhân (trong các án lao động, hình sự…) không được quyền đòi bồi thường nếu y đã bị kết phạt về tội bỏ phế gia đình.

Nếu hôn thú chưa bị thủ tiêu, chỉ cần đơn thưa của người còn ở gia đình (không cần người này xin đứng dân sự nguyên cáo) là biện lý có thể truy tố can phạm. Biện lý cũng có thể tự ý truy tố người phế bỏ gia đình mà không cần có đơn thưa của người bị thiệt hại.

Mặt khác, không thể đưa nội vụ ra trước dự thẩm hay tòa án ngay được mà phải có tư pháp cảnh lại lập biên bản hạn định cho can phạm trong tám ngày phải ngưng sự phế bỏ gia đình thì mới truy tố được. Nếu không làm như thế thì thủ tục truy tố sẽ vô hiệu.

Nếu can phạm trốn tránh hay không có nơi cư trú thì tư pháp cảnh lại phải gửi biên bản bằng thư bảo đảm cho can phạm tại nơi y ở sau cùng. Tòa án có thẩm quyền xét xử là tòa án tại nơi cư trú của người được cấp dưỡng.

Bỏ vợ đang thai nghén

Biết vợ có thai mà người chồng bỏ nhà ra đi trên hai tháng không có lý do hệ trọng là phạm tội. Can phạm phải là người chồng có hôn thú và hôn thú chưa bị thủ tiêu, lúc biết vợ có thai mà lại bỏ đi. Trong trường hợp này, luật xưa chỉ phạt người chồng khi bỏ cư sở hôn nhân chứ không phải sự bỏ cư sở gia đình. Cho nên dù can phạm có những đứa con khác sống chung nhà, y có vi phạm hay không vi phạm nghĩa vụ phụ quyền, thì y cũng bị tội.

Tuy nhiên, nếu người vợ đã được tòa cho phép ở riêng, hoặc trong lúc hai vợ chồng đang kiện đòi ly thân hoặc ly hôn thì người chồng không có tội.

Cha mẹ vô hạnh

Trường hợp cha, mẹ hành hạ con, nêu gương xấu cho con, có thói quen say sưa, không săn sóc, dạy dỗ con cái cũng phạm tội. Ngay cả khi can phạm đã bị tước phụ quyền mà vi phạm thì cũng bị xử tội. Nếu toan phạm tội thì không bị phạt.

Không cấp dưỡng

Người nào bị tòa án tuyên buộc phải cấp dưỡng cho người hôn phối, tôn thuộc hay ti thuộc mà không thực hiện thì cũng bị xử tội bỏ phế gia đình. Yếu tố cấu thành tội:

- Can phạm phải có nghĩa vụ cấp dưỡng do luật định và căn cứ trên bổn phận gia đình đối với người được cấp dưỡng. Luật xưa có quy định cụ thể những người được cấp dưỡng là vợ, chồng, ông bà, con cháu. Nhưng án lệ lại giải thích người được cấp dưỡng rộng rãi hơn: cả con cháu chính thức, con cháu nuôi hay con cháu tư sinh. Ngay cả con do ngoại tình cũng được xem như con chính thức nếu được nhìn nhận hợp pháp, dù họ còn vị thành niên hay đã thành niên. Án lệ cũng đồng hóa với cha mẹ những người thông gia trực hệ, cha chồng, mẹ chồng, cha vợ, mẹ vợ, rễ và dâu vào số những người tôn thuộc, ti thuộc. Đối với người hôn phối, không chỉ vợ, chồng có giá thú được cấp dưỡng mà cả người hôn phối đã ly hôn nhưng được thụ hưởng cấp dưỡng thì cũng được án lệ chấp nhận.

Trái lại, tiền cấp dưỡng cho một cô gái bị dụ dỗ thì không được xem như căn cứ trên một bổn phận gia đình, vì vậy dù có vi phạm thì cũng không bị tội. Tương tự, những dạng chi trả sau cũng không bị xem là căn cứ trên bổn phận gia đình: tiền phải đóng cho một cơ quan trừng trị đặc biệt, tiền tòa án buộc ứng trước cho vợ trong lúc chờ kết thúc vụ ly hôn và thanh toán cộng đồng tài sản.

- Tiền cấp dưỡng phải do bản án của tòa án buộc chi trả chứ không phải do một khế ước, di chúc hay cuộc điều đình. Án lệnh trong các vụ ly hôn, ly thân về việc cho phép người chồng hay người vợ khó khăn được sai áp lương bổng của người hôn phối cũng được xem như án của tòa, không thi hành là phạm tội.

- Can phạm đã không nộp tiền cấp dưỡng trong hai tháng. Không cần có sự đốc thúc mới làm cho thời hạn này phát khởi. Nếu là án khuyết tịch thì thời hạn sẽ được tính sau khi bản án được tống đạt cho đương sự hợp lệ. Tội phạm cấu thành khi can phạm không trả trọn số tiền cấp dưỡng, nếu đã trả một phần thì không đủ yếu tố phạm tội. Khoản cấp dưỡng phải được trả bằng tiền mặt.

Can phạm cố tình không trả tiền cấp dưỡng. Luật suy đoán là can phạm cố tình nếu can phạm không chứng minh ngược lại. Can phạm có thể viện dẫn các lý do thực tế như bệnh hoạn, khả năng không thể chi trả nổi… để minh oan cho mình. Nhưng nếu sau khi truy tố mà can phạm viện cớ là mình trả cấp dưỡng trễ thì sẽ không được chấp nhận. Can phạm cũng không thể nại cớ người thụ hưởng có hạnh kiểm xấu hoặc không còn cần đến tiền cấp dưỡng nữa, sự vô hiệu của hôn thú… để chậm trễ thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu muốn xét lại số tiền cấp dưỡng thì đương sự phải kiện ra tòa dân sự.

Không trốn tránh nghĩa vụ: Vô tội!

Phán quyết của một tòa thượng thẩm kết tội một can phạm là bỏ phế gia đình nhưng chỉ nêu rằng "y thị không phủ nhận mặc dầu có lệnh của biện lý và sự hối thúc của chồng, y thị vẫn không chịu trở lại nơi cư trú hôn nhân". Bản án này bị tòa phá án tiêu hủy vì đã không xác nhận can phạm với tư cách là mẹ đã trốn tránh nghĩa vụ phát sinh từ những quyền nói trên đối với con cái.

Trong một vụ án khác, tòa sơ thẩm buộc người chồng phải cấp dưỡng cho con một khoản tiền hàng tháng. Người chồng chấp hành việc cấp dưỡng nhưng lại kháng cáo xin giảm mức cấp dưỡng. Tòa thượng thẩm xử giảm bớt số tiền cấp dưỡng xuống. Sau đó, người chồng lỡ để trễ hơn ba tháng mà không cấp dưỡng thì không phạm tội phế bỏ gia đình, bởi vì người vợ đã nhận trước số tiền cấp dưỡng từ số tiền đưa dư từ khi xử sơ thẩm.

Nếu người chồng bị câu lưu nên phải rời khỏi trú sở của gia đình thì được xem là có duyên cớ chính đáng nên không bị tội. Nếu trước và sau khi bị câu lưu mà người chồng không về trú sở hôn nhân thì sẽ bị coi là phạm tội.

Ngoài ra, trong khi kiện ly dị chưa xong, có phán quyết buộc cấp dưỡng (không buộc thi hành tạm ngay hoặc chưa có hiệu lực) thì người không thực hiện việc cấp dưỡng cũng không bị xử tội.

Cấm tuyên truyền việc ngừa thai

Do còn mang nặng tư tưởng phong kiến nên Luật số 12/62 của chế độ cũ cấm tuyên truyền, khuyến khích việc ngừa thai. Ai vi phạm sẽ bị phạt tù từ 1 – 6 tháng hoặc phạt tiền từ 200 – 50.000 đồng. Đến năm 1963, luật này bị bãi bỏ.

Phá thai

Thời xưa, phá thai là một trọng tội. Năm 1923, Pháp ban hành luật mới giảm nhẹ cho tội phá thai xuống khinh tội. Phá thai là làm cho bào thai ra khỏi tử cung người mẹ trước ngày sinh nở, mục đích để giết chết hài nhi. Nếu hài nhi lọt lòng mẹ mà còn sống thì không phạm tội phá thai mà phạm tội toan phá thai; còn nếu hài nhi sống vài ngày rồi chết thì tòa án có thể buộc người toan phá thai vào tội ngộ sát.

Điều 317 Hình luật canh cải của Việt Nam xưa thì quy định thầy thuốc, bà đỡ, nha sĩ, dược sĩ hay bất cứ ai giúp đỡ phương tiện hay làm dễ dàng việc phá thai hay toan phá thai (như cho ăn, cho uống thuốc, đánh đập hoặc làm bất cứ cách nào đó khiến người đàn bà mang thai phải sinh non, dù có sự ưng thuận của chị ta thì cũng phạm tội).

Kẻ phá thai sẽ bị phạt từ 1 –5 năm tù và phạt tiền từ 5.000 – 10.000 đồng x 40, có thể bị cách chức tạm thời hoặc cấm hành nghề vĩnh viễn. Nếu người đàn bà tự phá thai thì mức phạt nhẹ hơn, từ sáu tháng đến hai năm tù và phạt tiền từ 100 – 2.000 đồng x 40. Nếu để cứu mạng sống của người mẹ mà bác sĩ phải mổ lấy thai ra thì không bị tội.

Pháp luật xưa nghiêm khắc với việc phá thai đến nỗi ngay cả khi mới mang đồ nghề đến nhà thân chủ để phá thai cho chị ta như đã hẹn, chịu để cho thai phụ phá thai trong nhà mình cũng bị xử tội đồng lõa hoặc chính phạm. Báo chí bị cấm tường thuật cuộc tranh luận trong các phiên xử về tội phá thai, tuy nhiên không bị cấm công bố những bản án của các vụ án đó.

Nạn nhân của việc phá thai, dù đã tham dự vào việc ấy nhưng vẫn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trước tòa hình sự. Nếu người mẹ cũng chết thì người cha của thai nhi có quyền kiện kẻ phá thai đòi bồi thường với tư cách là người bị thiệt hại chứ không phải với tư cách là người thừa kế gia tài của vợ.

Hoàng Việt hình luật áp dụng cho miền Trung quy định "nặng tay" hơn với tội phá thai. Người vi phạm sẽ bị phạt từ 5 – 10 năm tù hoặc khổ sai.

Hai vợ nhưng chỉ được phép có một vợ chính

Quy định này mới nghe qua rất tức cười, nhưng quả thật đàn ông Việt Nam xưa đã từng có thời được có tới… 2 vợ, nhưng chỉ được phép có một vợ chính và một vợ nhì!

Cưới hai vợ chính là phạm tội song hôn

Thời thuộc Pháp, đàn ông Việt Nam được quyền có hai vợ: một vợ chính và một vợ nhì. Tuy nhiên, theo Luật I/59 của chế độ cũ, một người đàn ông cưới vợ chính và làm hôn thú vào năm 1949, đến năm 1954 chưa đoạn tiêu hôn thú trước mà anh ta lại cưới thêm một vợ chính nữa là phạm tội song hôn. Người phạm tội này sẽ bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và phạt tiền từ 50 – 5.000 quan.

Trong một vụ kiện song hôn, một người đàn ông đã cưới vợ chính thức tại Thanh Chân (Hà Nam xưa) vào năm 1949. Đến năm 1954, anh ta lại kết hôn với một phụ nữ khác tại Paris (Pháp) cũng làm vợ chính thức. Người vợ tại Việt Nam kiện chồng ra tòa về tội song hôn và đòi bồi thường 100.000 đồng thiệt hại. Tòa sơ thẩm tiểu hình Sài Gòn xưa cho rằng người chồng đã phạm tội song hôn và phạt anh ta 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Không những thế, người chồng còn bị buộc phải bồi thường cho người vợ 60.000 đồng thiệt hại.

Lấy chồng sau có giá thú: Không bị tội

Tòa hòa giải rộng quyền Nam Định xưa đã xử một vụ kiện liên quan đến một phụ nữ có đến hai chồng: chị này lấy người chồng trước (không có giá thú), sau đó lại lấy người chồng thứ hai (có khai giá thú). Tòa tuyên xử chị này không phạm tội song hôn và người chồng sau không phải là tòng phạm.

Tòa hình phải chờ tòa hộ

Giấy thế vì giá thú không có giá trị bằng chứng bằng bản án tái lập hôn thú. Vì vậy, khi bản án tái lập hôn thú bị người thứ ba kháng tố trước tòa và giá thú còn đang bị tranh cãi trước tòa dân sự thì tòa hình sự không thể căn cứ vào giấy thế vì hôn thú được lập sau để xác nhận tội song hôn.

Giết vợ hoặc chồng vì ghen: Tội gì?

Chồng giết vợ hay vợ giết chồng vì ghen thì sao? Theo pháp luật xưa, dù giết chồng hay giết vợ thì cũng phạm vào tội sát nhân, nếu tính mạng của can phạm thật sự bị nguy hiểm vì đối phương. Tuy nhiên, trong trường hợp bắt phạm gian (tức ngoại tình) tại trận và tại nhà mình thì dù có giết chết kẻ gian phu hay dâm phụ thì cũng được khoan miễn theo luật định (Điều 324 Hình luật canh cải).

SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM

Trích dẫn từ:

http://phapluattp.vn/20100121014737118p1112c1114/hai-vo-nhung-chi-duoc-phep-co-mot-vo-chinh.htm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét