Thứ Năm, 5 tháng 8, 2010

Trả lời một số thắc mắc về tài sản thừa kế

Bố chia tài sản cho con vợ cả, có cần sự đồng ý của mẹ kế?

Bạn Lê Thị Minh Huyền, Công ty CP XD & PTNT Vĩnh Phúc, Email: tahuyen77@.. hỏi: Bố mẹ chồng tôi có một thửa đất do ông bà để lại đứng tên quyền sử dụng đất là bố chồng tôi do UBND huyện cấp năm 1993. Năm 1998, mẹ chồng tôi mất. Năm 2000 ông lấy vợ hai nhưng không có thoả thuận nào nhập tài sản là thửa đất ấy vào khối tài sản chung của bố tôi và bà vợ hai ấy. Nay bố chồng tôi muốn chia mảnh đất ấy cho vợ chồng tôi và người em trai (đều là con vợ cả). Bà vợ hai cũng có một con trai với bố tôi. Vậy việc chuyển nhượng QSDĐ cho chúng tôi có cần phải được sự đồng ý của bà vợ hai không? Xin luật sư trả lời giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

Như vậy, thửa đất đó bố chồng bạn có trước khi kết hôn với người vợ thứ hai và giữa hai người không có thoả thuận là tài sản chung thì nó vẫn được coi là tài sản riêng. Bố chồng bạn hoàn toàn có quyền định đoạt đối với thửa đất đó bằng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác mà không cần sự đồng ý của người vợ.

Có thể đổi người quản lý tài sản thừa kế không?

Bạn Phạm Trung Hải, ở Đà Nẵng hỏi: Bố tôi mất có di chúc lại tài sản cho con trai tôi, nhưng cháu mới 10 tuổi. Trong di chúc, bố tôi có viết giao cho em trai tôi (là chú ruột) quản lý khối tài sản này đến khi con tôi trưởng thành, lấy vợ. Vậy tôi muốn hỏi, việc giao cho em tôi quản lý tài sản hộ con tôi, thì em tôi có quyền hạn gì với khối tài sản đó. Có thể đổi người quản lý tài sản đó sang cho tôi, là bố của cháu bé không? Tại sao tôi không được quản lý tài sản đó.

Trả lời: Theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Hôn nhân và Gia đình: Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Do đó, trong trường hợp này, bạn không được quản lý tài sản riêng của con khi bố bạn đã chỉ định người quản lý di sản trong di chúc.

Người quản lý di sản có các nghĩa vụ như sau:

a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại

đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

Người quản lý di sản có quyền:

a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế.

Phân chia tài sản thừa kế

Bạn Gia Mẫn ở địa chỉ email: vivian_to2002@... hỏi: Ông bà nội tôi mất nhưng không để lại di chúc, căn nhà của ông bà nội tôi ở trước khi mất giờ chú tôi đã chiếm ở và tôi có nghe hàng xóm nói là chú tôi đã làm toàn bộ giấy tờ nhà và đứng tên. Gia đình chúng tôi muốn làm đơn xin phân chia tài sản, như vậy có đúng với bộ luật dân sự không? Xin cám ơn.

Trả lời: Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì ông bà của bạn khi mất không để lại di chúc nên tài sản họ để lại sẽ được chia theo pháp luật và di sản được chia đều cho những người thừa kế.

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. (Điều 645 Bộ luật dân sự năm 2005).

Bạn có thể dựa vào các căn cứ nêu trên để bảo vệ quyền lợi của mình.
Cha mẹ ly hôn, con có được hưởng thừa kế tài sản của cha?
Bạn Hoàng Thị Thanh Trà, email: hoangthanh@... hỏi: Cha mẹ tôi ly hôn khi tôi 6 tuổi, mẹ tôi ở vậy nuôi tôi còn cha tôi đi bước nữa và sinh được một con trai. Tôi muốn hỏi tôi sẽ được hưởng thừa kế tài sản của cha tôi trong trường hợp nào?

Trả lời: Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Kể từ thời điểm đó, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Nếu cha bạn mất có để lại di chúc và di chúc hợp pháp: Bạn được hưởng phần di sản thừa kế theo nội dung ghi nhận trong di chúc; Trường hợp cha bạn mất không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì bạn được hưởng thừa kế theo pháp luật.

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Con nuôi có được chia thừa kế?


Bạn Hoài Anh ở Ninh Bình hỏi: Tôi là con nuôi và là chị cả trong nhà. Bố mẹ tôi lấy nhau hiếm muộn con, có xin tôi về làm con nuôi. Sau đó 3 năm thì bố mẹ sinh được hai em trai nữa. Khi còn sống, bố mẹ chưa bao giờ phân biệt con nuôi, con đẻ cả. Nay bố mẹ tôi chết, có để lại đất đai, nhà cửa, nhưng không có di chúc lại. Hai em tôi, nói là con đẻ thì mới được hưởng thừa kế tài sản đó. Vậy tôi muốn hỏi, điều đó có đúng không? Tôi có được thừa kế gì tài sản bố mẹ để lại, và chia thừa kế như nào? Chân thành cảm ơn sự tư vấn của quý báo.

Trả lời: Do bố mẹ bạn mất không để lại di chúc nên di sản của bố mẹ bạn được chia thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Mỗi người được hưởng một phần ngang nhau.

Căn cứ vào nội dung trên, dù bạn là con nuôi nhưng bạn vẫn đương nhiên được hưởng thừa kế phần di sản của bố mẹ bạn. (Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 676 Bộ luật Dân sự).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét