Xung quanh vấn đề tử tù tự nguyện hiến xác sau khi thi hành án, VTC New đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà - Hà Nội) về một số nội dung pháp lý xung quanh chủ đề này.
LS Phạm Thanh Bình: "Vướng mắc duy nhất là sự thừa nhận của pháp luật về thi hành án tử hình đối với việc các tử tù được tự nguyện hiến xác cho khoa học và xã hội". (Ảnh: Nh.A)
- Thưa ông, cách đây cả chục năm, các nhà làm luật cũng đã đề cập tới vấn đề hiến xác của tử tù. Gần đây khi thảo luận Luật Thi hành án hình sự cũng có thảo luận nhưng khi luật này được thông qua, vẫn chưa có quy định pháp lý cho vấn đề này. Là người đã có nhiều năm công tác tại TAND tối cao, theo ông, vướng mắc nhất về mặt pháp luật là gì?
Đến nay đã có nhiều tử tù có nguyện vọng hiến xác nhưng các quy định về thi hành án tử hình lại không đề cập đến vấn đề này. Cũng có nhiều ý kiến thể hiện các quan điểm công nhận sự tự nguyện hiến xác của các tử tù nhưng cũng có một số lo ngại về mặt tâm lý, phong tục tập quán cũng như truyền thống.
Đó là sự quan ngại những người bị tử hình là người nguy hiểm cho xã hội, việc tước đi quyền được sống của họ là loại bỏ đi con người không đáng được sống này nên không cần sử dụng các bộ phận cơ thể của họ nữa. Hay sự lo sợ khi những người được cấy ghép các bộ phận cơ thể biết được rằng đây là bộ phận của người tử tù.
Xét về mặt y học một cơ thể chết đi thì xác chết đó là một thực thể vô tri vô giác. Nếu nhìn nhận như thế thì cái xác này không có tội mà còn có rất nhiều lợi ích cho y học và khoa học. Nó có thể cứu sống được rất nhiều người khi được sử dụng đúng cách và đúng pháp luật.
Vướng mắc duy nhất là sự thừa nhận của pháp luật về thi hành án tử hình đối với việc các tử tù được tự nguyện hiến xác cho khoa học và xã hội. Mặc dù tại Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ngày 29/1/2006 khuyến khích việc hiến xác của các cá nhân nhưng trong các quy định về thi hình án tử hình trong các văn bản trước đây và ngay Luật thi hành án hình sự mới được thông qua (sẽ có hiệu lực từ 1/7/2011) lại không có quy định vấn đề này.
Việc hiến xác cho khoa học và xã hội sau khi qua đời ở nước ngoài có thể là một việc bình thường nhưng ở nước ta, do ảnh hưởng về mặt tâm lý, về phong tục tập quán… nên vẫn chưa thể trở thành một vấn đề được xã hội thừa nhận rộng rãi và do đó, việc “luật hóa” sẽ gặp trở ngại cũng là điều dễ hiểu.
- Trước đây, việc đưa xác tử tù ra khỏi pháp trường lại bị cấm cho nên khó có thể thực hiện được việc hiến xác. Tuy nhiên, theo Luật Thi hành án hình sự mới được thông qua (sẽ có hiệu lực từ 1/7/2011) thì thân nhân tử tù có thể được mang xác tử tù về. Với quy định mới này, có thế hiểu là việc tử tù tự nguyện hiến xác có thể có cơ hội được thực hiện hơn không, thưa ông?
Theo tôi việc thân nhân tử tù có thể được mang xác tử tù về không có nghĩa có cơ hội thực hiện việc hiến xác.
Thứ nhất, dù việc thực hiện hình phạt tử hình bằng hình thức bắn hay tiêm thuốc độc thì việc hiến xác đều khó có thể có hiệu quả. Nếu xử bắn thì các bộ phận của cơ thể khó có thể còn nguyên vẹn và như vậy, việc dùng các bộ phận cơ thể này cho y học và nghiên cứu khoa học là điều có thể nói là không có nhiều tác dụng. Nếu thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc thì khi thuốc độc ngấm vào cơ thể nạn nhân, làm ngừng hoạt động sống của tử từ thì việc sử dụng các bộ phận cơ thể này cho mục đích y tế cũng khó có thể thực hiện được.
Thứ hai, việc thân nhân tử tù có thể mang xác tử tù về cũng phải qua một số thủ tục chứ không
được mang về ngay hoặc cũng phải có thời gian vận chuyển tử thi đến bệnh viện. Trong quá trình làm thủ tục thì về mặt y học các bộ phận cơ thể này không đảm bảo được sự sống để có thể dùng cho người khác. Các bộ phận cơ thể này trong quá trình phân huỷ cơ học, các tế bào không được bảo quản ngay sẽ bị phân huỷ.
Theo Điều 23 của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ngày 29/1/2006 thì phải có cơ sở y tế tiếp nhận và bảo quản xác ngay nhưng lại vướng thủ tục về thi hành án tử hình nên khó có thể tiếp nhận và bảo quản xác ngay sau khi thi hành án.
- Mục đích của hình phạt tử hình là để giáo dục, răn đe, còn hiến xác là hành động được tôn vinh, cần được chăm sóc đặc biệt. Hai vấn đề này cùng được thực hiện trên cơ thể tử tù, liệu có mâu thuẫn không, thưa ông?
Theo tôi là không có sự mâu thuẫn nào. Các tử tù bị tuyên án tử hình tức là bị pháp luật tước đi quyền sống của họ vì tội phạm mà họ đã gây ra; còn khi họ hiến xác cho khoa học lại là một nghĩa cử cao đẹp của họ đối với xã hội thông qua thể xác của mình. Như vậy mục đích của hình phạt tử hình vẫn đạt được là đã loại bỏ đi quyền được sống của người phạm tội, trong khi đó vẫn sử dụng được xác của tử tù nếu họ tự nguyện hiến tặng vì mục đích khoa học và y tế.
- Có ý kiến băn khoăn là trước đây, tử hình bằng hình thức xử bắn khiến thi thể tử tù không còn nguyên vẹn nên khó đạt được mục đích y học. Còn theo Luật Thi hành án hình sự sắp có hiệu lực, tử hình sẽ được thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Đồng nghĩa với việc nội tạng của tử tù sẽ bị phá hủy. Theo ông, khi đó có nên đặt ra vấn đề tử tù hiến xác nữa không?
Nếu việc tử hình bằng các biện pháp trên đối với tử tù được thực hiện thì việc hiến xác vẫn cần đặt ra. Việc dùng hình thức tử hình nào cũng đều làm ảnh hưởng đến xác, đến các bộ phận cơ thể từ tử tù vì các bộ phận ít nhiều bị phá huỷ trong khi thi hành án.
Tuy nhiên, xác của tử tù vẫn sẽ còn nhiều giá trị khác cho khoa học trong việc nghiên cứu cơ thể con người. Nếu được pháp luật thừa nhận thì có thể sẽ dẫn đến sự thay đổi trong việc sử dụng các hình thức thi hành án tử hình đối với những tử tù tự nguyện hiến xác.
- Y học thì cần xác và các bộ phận cơ thể của người hiến xác để nghiên cứu và chữa bệnh, trong khi sau nhiều năm nghiên cứu, pháp luật vẫn chưa thể có một quy định rõ ràng là cho hay không, dẫn đến việc tử tù xin thì cứ có đơn xin, còn việc cho phép thì chưa có tiền lệ nào. Quan điểm của ông để giải quyết vấn đề pháp lý và con người ở đây là gì?
Cần có cái nhìn đúng đắn trong việc tước đi quyền được sống của một con người khi họ có những hành vi nguy hiểm cho xã hội với việc họ tự nguyện hiến xác cho khoa học. Việc thi hành hình phạt tử hình nhằm mục đích tước đi sự sống của họ, còn cái xác để lại nhìn về khía cạnh sinh học đó là cơ thể có đầy đủ các tế bào và các bộ phận cơ thể hoàn chỉnh, có ý nghĩa rất lớn cho y học và khoa học nghiên cứu cơ thể con người.
Nếu nhìn nhận nguyện vọng hiến xác của các tử tù này như là một sự sám hối của họ đối với các hành vi phạm tội mà họ đã gây ra; hành động tự nguyện này mong muốn mang lại sự thanh thản cho họ với mong muốn có được sự chuộc lỗi đối với xã hội …thì sẽ dễ giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề pháp lý và vấn đề con người trong những trường hợp này. Như vậy việc hiến xác của các tử tù có thể thực hiện được.
- Thưa ông, với các quy định hiện hành như hiện nay, có thể nói việc tử tù hiến xác vẫn chỉ là nêu ra để nghiên cứu xem xét, chứ không thể thực hiện được?
Các quy định về thi hành hình phạt tử hình không thừa nhận và cho phép việc này nên sẽ hoàn toàn không thực hiện được trên thực tế. Dự thảo Luật thi hành án hình sự đã đưa ra vấn đề này. Nhưng cuối cùng đã không được quy định trong Luật thi hành án hình sự 2010 có hiệu lực 1/7/2011.
Tuy nhiên việc càng ngày càng có nhiều tử tù mong muốn được hiến xác nên chúng tôi hy vọng rằng có thể sẽ có ngoại lệ và dần dần sẽ được thừa nhận trong các văn bản pháp luật.
Xin cám ơn Luật sư!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét